Nộp tiền 30 năm, đất không có, tiền vẫn chưa được hoàn trả
Ông Nguyễn Bá Danh, trú tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) phản ánh: Năm 1992, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi con em trở về xây dựng quê hương khi tỉnh này vừa tách khỏi Nghệ An, ông cùng nhiều người khác đã về quê để phát triển, làm ăn kinh tế. Thời điểm này, gia đình ông được chính quyền xã Xuân An (nay là thị trấn Xuân An) cấp một mảnh đất bám quốc lộ 1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy.
Tuy nhiên, khi chưa kịp sử dụng thì khoảng một năm sau đó, gia đình ông cũng như các hộ khác đã được cấp đất nhận được thông báo của chính quyền là việc cấp đất này không đúng ranh giới và sai thẩm quyền nên yêu cầu các hộ dân không được xây dựng nhà ở, quầy quán, vật kiến trúc trên đất để giữ nguyên hiện trạng.
Từ đó đến nay, sau nhiều lần đòi quyền lợi, đến năm 2019 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có kết luận và hướng xử lý vụ việc là sẽ trả lại tiền cho các hộ dân. Theo đó, ông Danh được nhận số tiền đền bù hơn 433 triệu đồng, nhưng tâm nguyện được nhận đất, nên đến nay gia đình ông này vẫn chưa nhận tiền, và chính quyền cũng chưa “đền” đất như mong muốn của ông.
Tuy không được cấp đất tại thời điểm nói trên, nhưng bà Nguyễn Thị Châu, một công dân của huyện Nghi Xuân đã nhận chuyển nhượng lại thửa đất từ bà Nguyễn Thị Thanh, một trong những người được cấp đất trái thẩm quyền sau ngày Hà Tĩnh tái lập tỉnh. Quá trình chính quyền sửa sai, thửa đất của bà Châu được định giá tương đương số tiền đền bù là 780 triệu đồng. Tuy vậy, đến nay số tiền này bà Châu vẫn chưa được nhận, lý do là chưa đầy đủ hồ sơ, chưa có giấy ủy quyền từ người được cấp đất.
Bà Nguyễn Thị Châu là một trong 5 hộ dân chưa được nhận tiền từ chính quyền vì lý do tương tự, cùng với hai hộ dân không nhận tiền mặt mà yêu cầu nhận đất. Ngoài ra, còn có 13 hộ dân khác liên quan đến tài sản trên đất, với tổng số tiền chi trả là gần 700 triệu đồng, cũng đang vướng mắc. Tổng cộng, đến nay vẫn còn khoảng 5,2 tỷ đồng chưa thể chi trả cho người dân.
Ông Bùi Duy Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân cho biết: Sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh có Kết luận số 152/KL-UBND ngày 27/5/2019, thị trấn Xuân An đã 3 lần tổ chức hoàn trả tiền đất và tài sản trên đất cho các hộ dân nói trên cho 35/46 đối tượng được thụ hưởng, với số tiền 21,6 tỷ đồng. Đối với các hộ còn lại, vướng mắc trong việc chưa đầy đủ các loại hồ sơ thủ tục nên đến nay vẫn chưa giải ngân được, dù tiền đã về ngân sách của thị trấn.
Đất cấp sai không thu hồi vẫn cho doanh nghiệp làm dự án
Liên quan đến vấn đề này, theo tìm hiểu của phóng viên được biết ngày 15/01/1992, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định quy hoạch chi tiết vùng đầu cầu Bến Thủy (thuộc Cụm kinh tế xã hội Gia Lách, huyện Nghi Xuân). Trong đó, đã bố trí 52 lô đất ở và 2 lô đất dự phòng hai bên quốc lộ 1A.
Ngay sau đó, thực hiện chủ trương kêu gọi công dân Hà Tĩnh về xây dựng quê hương, UBND huyện Nghi Xuân và xã Xuân An đã thực hiện việc thu tiền, giao đất cho 55 hộ dân dọc hai bên quốc lộ 1A. Do cấp đất không đúng theo ranh giới quy hoạch đã phê duyệt nên ngày 11/10/1993, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định đình chỉ việc xây dựng đối với các lô đất được cấp nói trên. Lúc này, có một hộ dân đã xây dựng nhà 3 tầng kiên cố và một số hộ đã xây dựng kè đá, móng tạm.
Từ đó, các hộ dân không được tiếp tục sử dụng đất cũng như không hoàn thiện các thủ tục giao đất nhưng UBND huyện Nghi Xuân không rà soát, xử lý vụ việc theo quy định để hủy bỏ các quyết định để kịp thời trả lại tiền đã thu cho các hộ dân. Sự việc tồn đọng, kéo dài hàng chục năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các hộ dân.
Đến ngày 27/5/2019, sau nhiều năm vào cuộc và tham vấn ý kiến của nhiều bộ, ngành trung ương cũng như địa phương, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới ban hành Kết luận số 152 để xử lý dứt điểm vụ việc. Theo đó, kết luận đã chỉ rõ quá trình giao đất cho các hộ dân, UBND huyện Nghi Xuân và xã Xuân An đã giao đất không đúng đối tượng, một số người chưa lập gia đình, không có hộ khẩu trên địa bàn hoặc đã có đất nơi khác vẫn được xét giao đất. Trong số 55 trường hợp được giao đất, chỉ có 2 trường hợp đúng đối tượng nhưng lại giao đất không đúng thẩm quyền khi chỉ có biên bản của UBND xã Xuân An.
Ngoài ra, quá trình giao đất cũng đã giao quá số lô, không đúng diện tích và vượt ra ngoài ranh giới quy hoạch đã phê duyệt. Trong số này, chỉ có 17 trường hợp có quyết định giao đất của UBND huyện Nghi Xuân là đúng thẩm quyền, còn lại 32 trường hợp chỉ có biên bản giao đất của UBND xã Xuân An, thậm chí có những trường hợp trên thực tế chưa giao đất. Trong số này có 6 trường hợp không có quyết định cũng như biên bản giao đất từ các cấp chính quyền.
Mặc dù vậy, xét về bản chất thì tất cả các hộ dân nói trên đều nộp tiền vào ngân sách Nhà nước để được giao đất. Do đó, khi xác định giá trị hoàn trả, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng thực hiện trên tinh thần các hộ dân phải đảm bảo quyền lợi công bằng, nên đã tham vấn ý kiến Bộ, ngành Trung ương và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về phương án hoàn trả.
Theo đó, phương án giải quyết tối ưu được chấp nhận là không xem xét giải quyết đối với 7 trường hợp do chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước hoặc đã được cấp đất ở nơi khác. Đối với trường hợp đã xây nhà ổn định từ trước khi có quyết định đình chỉ việc xây dựng của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì cho phép tiếp tục sử dụng đến lúc thu hồi sẽ bồi thường theo quy định.
Xem xét, giải quyết cho 47 trường hợp theo phương án hoàn trả bằng tiền, số tiền này được xác định theo giá đất quy định tại thời điểm chi trả. Nguồn tiền để hoàn trả sử dụng ngân sách của huyện và ngân sách tỉnh.Sau khi có phương hướng giải quyết, UBND huyện Nghi Xuân đã bố trí ngân sách để chi trả. Tuy nhiên, 3 năm sau ngày kết luận có hiệu lực, đến nay việc chi trả vẫn chưa hoàn thiện khi số tiền hơn 5 tỷ đồng vẫn nằm trong ngân quỹ của thị trấn Xuân An.
Điều đáng nói, tại vị trí các thửa đất mà người dân được chính quyền cấp sai, dù tỉnh đã có văn bản đình chỉ việc xây dựng, và trong thời gian chưa giải quyết xong các vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Chính quyền các cấp cũng chưa có quyết định thu hồi đất hay hủy bỏ các quyết định giao đất nhưng từ năm 2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành cấp chứng nhận đầu tư cho một doanh nghiệp tại Nghệ An là Công ty CP Hoàng Mai Ngọc để đầu tư dự án khu du lịch sinh thái và khách sạn trên một phần diện tích đất này. Dự án có quy mô hoành tráng, với khách sạn đạt chuẩn 3 sao, khu biệt thự, thể thao, khu nuôi thú, khu vườn sinh thái và khu công viên dọc bờ sông.
Tuy nhiên, dự án này chỉ mới hoàn thiện và đưa vào khai thác được hạng mục khách sạn sinh thái, song cũng chỉ hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa, hoang hóa trong nhiều năm. Mới đây, khu đất này đã được thay tên, đổi chủ khi vào ngày 19/8/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư cho một doanh nghiệp mới là Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị mới Sông Lam, với tổng mức dự án sau điều chỉnh là hơn 886 tỷ đồng.
Ngày 21/4/2022, Khách sạn Sông Lam Waterfront đạt tiêu chuẩn 4 sao đã được khai trương, đưa vào sử dụng. Vấn đề khiến người dân bức xúc, là dù chính quyền thị trấn Xuân An vẫn chưa giải quyết xong vụ việc liên quan đến cấp đất trái thẩm quyền trước đó, nhưng quá trình xây dựng và cải tạo lại khách sạn, chủ đầu tư đã san lấp lên phần đất của các hộ dân, đồng thời làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh nên đã có đơn thư phản ánh gửi đến các cấp chính quyền và ban ngành chức năng.
Theo Thiên Thảo
Link gốc: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/gan-30-nam-chua-giai-quyet-dut-diem-viec-cap-55-lo-dat-trai-tham-quyen-i667114/