Bà Nguyễn Thị Trừ (SN 1945), trú tại thôn Minh Hòa, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có đơn gửi cơ quan chức năng, kiến nghị về việc huyện Nghi Xuân bỗng dưng ban hành văn bản thu hồi bìa đỏ đã cấp cho bà, xuất phát từ lá đơn của một người đã bán đất gần 30 năm trước nhưng chính quyền vẫn thụ lý là thiếu công tâm, gây bất lợi cho gia đình bà cũng như tạo tiền lệ không tốt trong quá trình giải quyết đơn thư, tố tụng trên địa bàn.
Theo phản ánh của bà Trừ, tháng 7/1995, vì lý do chuyển vào miền Nam lập nghiệp nên ông Phan Xuân Thương, trú cùng địa chỉ nói trên đã chuyển nhượng toàn bộ đất nông nghiệp cho gia đình bà Trừ và toàn bộ đất ở, nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho một hộ dân khác. Cụ thể, ngày 7/7/1995, ông Phan Xuân Thương tự viết giấy xin chuyển nhượng đất nông nghiệp cho ông Phan Xuân Hưng (chồng bà Trừ), diện tích 4.292m2, với số tiền là 1.000.000 đồng, có xác nhận của xóm trưởng và UBND xã Xuân Thành. Từ đó đến nay, gia đình bà Trừ đã nộp thuế đầy đủ, sử dụng ổn định diện tích đất này và đã 2 lần chuyển đổi ruộng đất (lần 1 vào năm 2001, lần thứ 2 vào năm 2009) được chính quyền địa phương công nhận, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp hộ bà Trừ đã được UBND huyện Nghi Xuân cấp bìa đỏ.
Bất ngờ, vào đầu năm 2022, khi dự án Khu đô thị mới Xuân Thành được triển khai, phần đất mà bà Trừ mua lại của ông Thương nằm trong vùng bị ảnh hưởng nên được xem xét đền bù, GPMB. Lúc này, ông Thương bỗng dưng quay về đâm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền, đòi lại phần đất nông nghiệp đã bán vì cho rằng, giao dịch 27 năm trước là không đúng với quy định của pháp luật.
Sau khi tiếp nhận đơn, ngày 17/2/2022, UBND xã Xuân Thành tổ chức buổi hòa giải giữa hai gia đình nhưng bất thành. Đến ngày 13/9/2022, gia đình bà Nguyễn Thị Trừ bất ngờ nhận được Thông báo số 1535/UBND-TNMT ngày 19/8/2022 của UBND huyện Nghi Xuân, do Phó Chủ tịch Nguyễn Viết Hưng ký nêu: Huyện Nghi Xuân nhận được đơn của ông Phan Xuân Hương, trú tại xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (là người được ông Phan Xuân Thương ủy quyền) với nội dung, ông Hương đề nghị huyện Nghi Xuân thu hồi lại GCNQSDĐ ngày 16/8/2016 đã cấp cho hộ bà Nguyễn Thị Trừ vì lý do, cùng thửa đất trên ngày 20/9/1995 đã cấp cho hộ ông Phan Xuân Thương. Sau khi xem xét, UBND huyện Nghi Xuân đã giao cho Phòng TN&MT tham mưu thu hồi bìa đỏ đã cấp cho bà Nguyễn Thị Trừ do cấp sai quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị “xã Xuân Thành làm việc với hộ ông Phan Xuân Thương để xác định nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Thương”.
Vậy lý do gì mà một hộ dân đã bán toàn bộ đất đai, nhà cửa trong thời gian gần 30 năm, nay quay về đòi lại đất mà huyện Nghi Xuân vẫn thụ lý, giải quyết? Trong chừng ấy thời gian, phần đất đã giao dịch này cũng được chính quyền địa phương công nhận và quá trình sử dụng không gặp bất cứ sự tranh chấp nào? Để rộng đường dư luận, phóng viên đã trao đổi sự việc với lãnh đạo UBND xã Xuân Thành. Ông Trần Quốc Anh, Chủ tịch xã này khẳng định, có sự việc chuyển nhượng đất nông nghiệp giữa ông Phan Xuân Thương và gia đình bà Nguyễn Thị Trừ và hai bên cũng thừa nhận việc mua bán có làm giấy xin chuyển nhượng đất nông nghiệp (do ông Thương tự tay viết), giao dịch nhận tiền mặt. Khi xảy ra tranh chấp, chính quyền xã Xuân Thành cũng đã tổ chức hòa giải nhưng giữa hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Theo UBND huyện Nghi Xuân, lý do ban hành công văn số 1535, trong đó xem xét việc hủy bìa đỏ đã cấp cho bà Trừ và xác định nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp cho ông Thương là vì thửa đất ông Thương chuyển nhượng cho bà Trừ, vào ngày 20/9/1995 đã được huyện Nghi Xuân cấp bìa đỏ cho ông Thương. Quá trình chuyển nhượng sau này, huyện đã “quên” không thu hồi lại bìa đỏ này trước khi cấp mới cho bà Trừ, dẫn đến chồng chéo. Ngoài ra, theo lý giải của huyện Nghi Xuân, giấy xin chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp ngày 7/7/1995 của ông Phan Xuân Thương không phải là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì không đáp ứng yêu cầu của hợp đồng dân sự, nên chưa được xác định là đất sản xuất nông nghiệp đã được chuyển nhượng. Tại giấy chuyển nhượng này, mặc dù có xác nhận của thôn và xã, nhưng không có chữ ký xác nhận của bên mua bán là gia đình bà Trừ, nên việc chuyển nhượng không đúng quy định.
Đại diện lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân cho biết thêm, có sự giao dịch chuyển nhượng về đất đai xảy ra giữa gia đình bà Trừ và ông Thương vào năm 1995, tuy nhiên do thiếu sót trong quy trình, thủ tục nên giao dịch này chưa hoàn thành và chưa được pháp luật thừa nhận. Việc kiến nghị thu hồi bìa đỏ đã cấp cho bà Trừ là để cấp lại theo đúng trình tự, thủ tục. Còn việc ông Thương đề nghị cấp lại đất nông nghiệp là không đáp ứng được, vì đã quá thời hạn sử dụng nhưng không tiến hành gia hạn, trong thời gian dài ông này cũng không thực hiện các nghĩa vụ liên quan cho Nhà nước.
Theo Thiên Thảo
Link gốc: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/doi-lai-dat-da-ban-gan-30-nam-huyen-van-xem-xet-giai-quyet–i675493/