Tuổi Trẻ Online đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – thương binh và xã hội, sau câu chuyện 8 địa phương thuộc 4 tỉnh bị tạm dừng tuyển lao động làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (EPS) đến hết năm 2022.
Đó là huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Nguyên nhân là các địa phương này có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên, tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
Việc tạm dừng tuyển chọn không áp dụng đối với lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khoảng thời gian miễn xử phạt.
* Vừa qua Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc với 8 địa phương của 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa. Ảnh hưởng của việc này như thế nào, thưa ông?
– Những người lao động phá bỏ hợp đồng rồi cư trú bất hợp pháp ở lại Hàn Quốc đa phần vì lợi ích cá nhân. Sự ích kỷ của họ không chỉ làm ảnh hưởng đến hợp tác chung giữa Việt Nam – Hàn Quốc mà còn những người lao động khác tại địa phương. Việc này tước đi cơ hội của các thanh niên muốn đi làm việc tại Hàn Quốc.
Người lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc sẽ không được cơ quan pháp luật bảo vệ khi có các vấn đề xảy ra. Với những vấn đề phát sinh như khi bị người sử dụng lao động đối xử không tốt hoặc không được trả lương, họ sẽ không được cơ quan nào can thiệp, đồng nghĩa với việc tự gánh chịu hậu quả.
Tinh thần của người lao động khi mà ở lại làm việc bất hợp pháp, cư trú bất hợp pháp sẽ không được thoải mái. Khi làm trong tình trạng bất hợp pháp, họ lúc nào cũng lo sợ bị cảnh sát bắt giữ, trục xuất hoặc có thể bị bắt giam, bị phạt. Chuyện này đã xảy ra rất nhiều đối với người lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng.
Qua thực tế chúng tôi thấy nhiều trường hợp rất đau xót. Họ bị những người sử dụng lao động đối xử rất là tệ mà không dám nói, hoặc không có ai đứng ra bảo vệ. Cơ quan chức năng luôn khuyên người lao động nên đi theo chương trình của Hàn Quốc tổ chức. Nước này đã có những chính sách rất cởi mở dành cho những người lao động chấp hành đúng hợp đồng cũng như pháp luật của Hàn Quốc.
* Ngoài giải pháp tăng cường tuyên truyền, chúng ta cần làm gì để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng trên?
– Qua một thời gian đàm phán và đưa ra các giải pháp mạnh tay, từ năm 2013 trở lại đây, Hàn Quốc đã bắt đầu tiếp nhận lao động trở lại. Thời gian qua, chúng ta và phía Hàn Quốc đã hợp tác, đưa ra các giải pháp giảm tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại nước bạn.
Giai đoạn 2016-2017, số lượng bị tạm dừng đưa người lao động đi nước ngoài là 20 tỉnh và khoảng 40 – 50 huyện. Số huyện bị tạm dừng giảm từ 20 huyện (năm 2018) xuống 8 huyện (năm 2022).
Giải pháp đầu tiên là tuyển chọn, đào tạo lao động thật kỹ trước khi đi. Thứ hai, công tác hỗ trợ người lao động tại Hàn Quốc cũng như quản lý người lao động tại Hàn Quốc đảm bảo đầy đủ, kịp thời để họ yên tâm làm việc. Thứ ba, thúc đẩy người lao động tự nâng cao trình độ khi làm việc tại nước ngoài.
Bên cạnh đó chúng ta đã yêu cầu người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng để đảm bảo việc thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn.
Đồng thời, chúng tôi tiếp tục nhắc nhở các địa phương vẫn phải tiếp tục tăng cường các giải pháp, như là tổ chức vận động tuyên truyền, để đảm bảo được con em mình ở địa phương không cư trú ở lại nước ngoài trái pháp luật, hoặc phải về nước đúng thời hạn để đảm bảo không chỉ cho bản thân của người lao động và các lao động khác ở địa phương, mà còn cho hợp tác giữa ta với Hàn Quốc được tiếp tục ổn định, phát triển trong thời gian tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Nam, lãnh đạo một công ty chuyên đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, chia sẻ để tránh lao động bỏ trốn ra ngoài, doanh nghiệp cần tư vấn, hỗ trợ khám sức khỏe, ăn ở, thường xuyên tháo gỡ khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống ở nước ngoài để người lao động yên tâm.
“Tình trạng, triệu chứng COVID-19 dai dẳng 3 – 5 ngày nên người lao động phải điều trị mới đi làm được. Do đó ta phải trao đổi với doanh nghiệp bên đó, tạo điều kiện cho lao động điều trị, sức khỏe ổn định thì quay lại làm việc”, ông Nam cho biết.
Tuy vậy tình trạng lao động bỏ trốn ở công ty này cũng khoảng 1%/năm, tập trung tại lĩnh vực xây dựng. Nguyên do là bất đồng ngôn ngữ giữa chủ – thợ, bị người làm cùng hoặc quản lý đánh đập, mạt sát, bạo ngôn dẫn đến sợ hãi, bất an.
“Khi họ bất an, không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời thì sẽ bỏ trốn ra ngoài”, vị này cho hay.
Điểm yếu của lao động Việt Nam còn là ngoại ngữ vì trước khi đi, họ mới được đào tạo 3 – 6 tháng, ở mức làm quen.
Doanh nghiệp nên quan tâm, động viên họ khắc phục, song song với hòa nhập văn hóa, khí hậu ở nước ngoài để tránh việc lao động bỏ ra ngoài làm, cư trú bất hợp pháp.
“Theo quy định của Nhật Bản, người lao động làm việc bất hợp pháp không được hưởng bất cứ quyền lợi y tế, an toàn và hoàn toàn gánh chịu rủi ro, tại nạn lúc làm việc, đi lại, đồng thời không được nhận tiền bồi thường”, ông Nam nêu rõ.
Theo Hà Quân – Nguyễn Hiền
Link gốc: https://tuoitre.vn/di-lao-dong-nuoc-ngoai-roi-bo-tron-giai-phap-da-co-khong-kho-thuc-hien-2022081711214745.htm