Đề xuất 14 chính sách đặc thù để Nghệ An phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế

Về tổ chức bộ máy, dự thảo nghị quyết quy định, UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch. Riêng tại TP Vinh, HĐND có không quá 2 Phó Chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách; UBND có không quá 4 Phó Chủ tịch.

Sáng 31/5, Quốc hội nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục đích của việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình.

Về thực tiễn, mặc dù tỉnh Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển; tuy nhiên, đến nay, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách. “Theo quy hoạch vùng miền Trung, Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, ông thông tin.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách lớn. Đối với 2 chính sách tương tự như các địa phương khác, tại Nghệ An, HĐND tỉnh được quyết định áp dụng các phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đối với các loại phí, lệ phí. Chính sách này tương tự như tại các tỉnh, TP Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra.

Chính sách 2 là tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi thành dự án độc lập. Chính sách này tương tự với tỉnh Khánh Hòa.

Về 8 chính sách tương tự các địa phương khác, nhưng có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An hoặc tương tự dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Trong đó, chính sách 1 quy định, HĐND tỉnh Nghệ An quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương khác của tỉnh.

Chính sách 2 quy định UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.

Đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp.

Với chính sách 3, tỉnh Nghệ An được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa và thể thao do HĐND tỉnh quy định… Tại nhóm chính sách này cũng quy định, tỉnh Nghệ An được thực hiện hình thức hợp đồng BT đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí; bãi đỗ xe; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Về tổ chức bộ máy, dự thảo nghị quyết quy định, UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch. Riêng tại TP Vinh, HĐND được thành lập 3 Ban, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế – Ngân sách, Ban Văn hóa – Xã hội. HĐND TP Vinh có không quá 2  Phó Chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách; UBND TP Vinh có không quá 4 Phó Chủ tịch.

Dự thảo Nghị quyết hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Quang cảnh hội trường.

Qua thẩm tra, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính – Ngân sách và Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự kiến sẽ sáp nhập thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc vào TP Vinh. Sau khi mở rộng, khối lượng công việc sẽ tăng lên, đòi hỏi phải tăng cường bộ máy quản lý, việc bổ sung chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy cho thành phố này là cần thiết.

“Việc tăng cường tổ chức bộ máy cho một số cơ quan của tỉnh Nghệ An cũng không làm tăng biên chế hành chính do khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào TP Vinh đã tinh gọn đáng kể tổ chức bộ máy và biên chế”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh lý giải.

Tuy nhiên, để có đủ cơ sở, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình bổ sung về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TP Vinh đối với tỉnh Nghệ An nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung; chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được phân cấp, phân quyền tăng thêm, làm rõ sự cần thiết phải ban hành chính sách đặc thù này…

Tác giả: Quỳnh Vinh

Nguồn: cand.com.vn

Nghệ Anphát triển tỉnh