Đó là ý kiến của các chuyên gia pháp lý trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Có thể nói, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội.
Tổng kết về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cho thấy, có đến hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật, trong đó vi phạm chủ yếu là nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm, tham nhũng, tiêu cực, buông lỏng lãnh đạo, cố ý làm trái.
Kết quả cũng cho thấy, có đến 113 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý bị kỷ luật (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XI – chỉ xử lý 11 trường hợp cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý). Thanh tra Chính phủ và thanh tra chuyên ngành đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý gần 450 vụ, hơn 600 đối tượng. Kiểm toán nhà nước đã chuyển gần 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Phân tích từ hàng loạt những vụ án này, giới chuyên gia cho rằng, thực tế nhiều vụ khi đã phát hiện dấu hiệu rõ ràng tham nhũng nhưng cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong xử lý, nguyên nhân là bởi cơ chế xử lý tham nhũng đang còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nêu điển hình ngay như quy trình phát hiện xử lý tội phạm tham nhũng thông thường là phát hiện qua Thanh tra sau đó chuyển Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát xem xét, khởi tố. Luật sư Hiệp cho rằng, quy trình này hiện có nhiều bất cập.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Luật Tố tụng Hình sự quy định khi phát hiện dấu hiệu tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố, điều tra và có quyền áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người bị khởi tố, điều tra. Tuy nhiên theo Luật phòng, chống tham nhũng thì các Cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra phải làm đến cùng để đưa ra kết luận, họp lên họp xuống rồi mới chuyển cho Cơ quan tiến hành tố tụng để khởi tố, điều tra, truy tố.
“Thanh tra và kiểm toán không có thủ tục tố tụng tư pháp độc lập, khách quan. Họ chỉ thực hiện các biện pháp hành chính, nghiệp vụ để đưa ra kết luận thanh tra, kiểm toán. Họ không có quyền áp dụng các biện pháp tư pháp như tạm giữ, tạm giam hay phong tỏa tài sản để tài sản tham nhũng không bị tẩu tán, thất thoát” – Giám đốc Công ty Luật HPVN nói.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, thực tế cho thấy, trong nhiều vụ phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân có chức vụ, quyền hạn, xảy ra trong thời gian dài, qua nhiều thời lãnh đạo… công tác thanh tra, kiểm toán phải kéo dài nhiều đợt, xử lý vi phạm hành chính nhiều lần, kỷ luật cán bộ “nâng lên, đặt xuống” rất phức tạp, gây bức xúc dư luận. Thậm chí, nhiều vụ nếu không có chỉ đạo quyết liệt từ phía Trung ương thì hồ sơ vụ việc chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính…
“Hay như vấn đề xử lý tội phạm đưa nhận hối lộ, thực tế còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu đưa nhận hối lộ, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội danh khác”, luật sư Luân chia sẻ.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thành Luân, bên cạnh những nguyên nhân như khó khăn trong việc truy tìm chứng cứ, chứng minh tội phạm, đối tượng không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội… thì còn một nguyên nhân khác đó là từ những hạn chế trong quy định pháp luật. Điển hình như, thiếu quy định để việc phân biệt giữa quà tặng và của hối lộ. Do đó, sẽ không có cơ sở để xử lý nếu các đối tượng không thừa nhận hành vi đưa, nhận của hối lộ mà khẳng định đó chỉ là tặng, nhận quà.
Hoặc, từ những quy định pháp luật tuỳ nghi cho phép người tiến hành tố tụng có thể áp dụng hay không áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Việc áp dụng quy định pháp luật tùy nghi chủ yếu do đánh giá chủ quan của người tiến hành tố tụng.
Ví dụ: khoản 2 Điều 8 BLHS quy định Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác; Điều 29 BLHS về miễn trách nhiệm hình sự… – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt nói.
Quay trở lại kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng trong những năm gần đây, có thể thể thấy đã được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. “cuộc chiến” này sẽ đạt hiệu quả và toàn diện hơn nếu chúng ta có vũ sắc bén hơn – đó là quy định pháp luật toàn diện, từ khâu phòng ngừa cho đến ngăn chặn.
Và theo các chuyên gia pháp lý, để đáp ứng yêu cầu của phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới thì hệ thống pháp luật cần được quan tâm hoàn thiện. Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh đối với những kẻ phạm tội, cần song hành bít các lỗ hổng trong các qui định, cơ chế phòng, chống tham nhũng.
Theo Nguyễn Giang
Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/co-che-xu-ly-tham-nhung-con-bat-cap-227766.html