Cương quyết chấn chỉnh những tệ nạn, đưadu lịch biển Nghệ An “thăng hoa” sau đại dịch
Mở cửa sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid 19 gây ra, Cửa Lò hiện đón hàng vạn người dân cả nước về tắm mát. Tuy nhiên, để giữ chân du khách, phố biển phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bài 2: Chấn chỉnh tình trạng ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách du lịch
Lợi dụng việc không có lực lượng an ninh du lịch, nhiều đối tượng ăn xin và bán hàng rong lập tức ập đến quấy rối khách nghỉ dưỡng.
Không mua thì thương, mua thì nhiều người đến quấy nhiễu
Nắng nóng, anh Phan Văn Ngọc (28 tuổi, trú huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cùng gia đình xuống bãi biển Tx.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An để tắm mát rồi lên thưởng thức hải sản. Chuyến du lịch vô cùng tuyệt vời nếu như không có những lời mời chào mua hàng liên tiếp của những người bán rong.
“Gia đình tôi chỉ ngồi vào quán ăn khoảng 15 phút thôi mà đã có tới 4 người đến rao bán lạc luộc, bánh khô, bánh bao và cả tôm ghẹ. Lúc đầu, do con đói cùng với việc thấy thương cho bác bán bánh bao nên chúng tôi cũng mua 1 cái. Nhưng sau đó, nhiều người đến hỏi có mua không nhiều cũng phiền”, anh Ngọc nói.
Trong đó, việc khiến anh Ngọc cảm thấy bối rối nhất là nhiều trường hợp của người khuyết tật đi qua bán hàng. Bởi vì mua cho người này mà không mua cho người kia thì cảm thấy khó coi, mà không mua thì thấy tội những người bán hàng. Vì vậy, cảm xúc vui vẻ về chuyến du lịch của gia đình anh Ngọc khi xuống bãi biển Cửa Lò đã giảm một nửa.
Theo nhiều du khách phản ánh, quá nhiều người đến rao bán hàng khi gia đình họ đang thưởng thức bữa tối khiến các thành viên cảm thấy không thoải mái. Khi xuất hiện đội an ninh tuần tra thì không có tình trạng này, nhưng vừa vắng bóng cán bộ thì có rất đông người đến bán hàng rong và thậm chí có cả trường hợp xin tiền.
“Thực ra, gia đình tôi cũng không tiếc gì vài chục hay vài trăm nghìn mua cho họ một ít đồ. Một số người bán cũng lịch sự, khi chúng tôi không mua thì cũng rời đi. Nhưng đang ngồi ăn có một lúc mà nhiều người đến hỏi cũng thấy phiền”, chị Đặng Thị Cẩm Tú, Tp.Hà Nội nói.
Mặc dù chưa có số liệu chính xác và đầy đủ, nhưng những người bán hàng rong chủ yếu đến từ vùng lận cận hoặc ngoại tỉnh về đây kiếm sống. Những người bán hàng gây mất trật tự đô thị do sự vồ vập, mời chào, chèo kéo du khách mua hàng, ngay cả khi du khách ngồi ăn uống tại các nhà hàng, gây phiền hà tới du khách.
Một số gánh hàng rong, xe tự chế rong ruổi trên các con đường của thị xã gây nguy cơ mất an toàn giao thông và gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và dễ dàng trốn tránh khi nhìn thấy lực lượng chức năng. Vấn nạn hàng rong gây méo mó tới hình ảnh văn minh vốn có của đô thị, do những người bán hàng rong không bán cố định một chỗ nên gây khó khăn cho việc quản lý của cơ quan chức năng.
Giải quyết tình trạng người ăn xin và bán hàng rong
Trong đó, Nghi Thu, Nghi Hương và Thu Thủy là 3 phường trọng điểm về kinh doanh du lịch. Vì vậy, ngay từ đầu mùa cho đến nay, UBND các phường đã tiến hành họp cùng đội quản lý an ninh trật tự du lịch để bàn những giải pháp nhằm tăng cường ra quân và xử lý vi phạm về vấn nạn hàng rong và các vi phạm trật tự đô thị khác. Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên loa phát thanh hàng ngày.
Ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch UBND phường Nghi Hương, Tx.Cửa Lò cho biết, Nghi Hương được biết đến là một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của thị xã Cửa Lò, chính vì vậy nên ngay từ đầu mùa du lịch, cấp ủy chính quyền địa phương đã tiến hành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ trong hoạt động quản lý du lịch.
Như: Ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo về du lịch; Xây dựng các đề án về nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch; Thành lập đội quản lý du lịch; Ra quân chỉnh trang đô thị; Chú trọng công tác VSMT, thu gom rác thải xây dựng tại bãi tắm; Xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động du lịch…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động quản lý du lịch của địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: tình trạng bán hàng rong vẫn còn diễn ra; loa máy tại các ki ốt vẫn còn mở quá âm lượng cho phép; xe của khách vẫn đậu, đỗ trái quy định trên khu lâm viên, trên một số tuyến đường.
“Chúng tôi đã lập 2 tổ liên tục kiểm tra, giám sát tình trạng bán hàng rong trên địa bàn. Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi cũng đã lập 15 biên bản để răn đe. Bằng nhiều biện pháp quyết liệt và triệt để nên tình trạng này đã dần được xiết chặt hơn, đặc biệt là xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm”, ông Đạt nói.
Liên quan đến việc này, ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND Tx.Cửa Lò cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển du lịch năm 2022, trong thời gian qua, các phòng, ban, ngành, cơ quan và UBND các phường đã vào cuộc chỉ đạo nên hoạt động du lịch đang dần đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, hiện nay hoạt động du lịch vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Vì vậy, UBND Tx.Cửa Lò đã yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm chủ trương “5 không” trong hoạt động du lịch; đặc biệt kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi: không niêm yết giá, tự ý nâng áp giá; bán hàng rong; đặt bàn ghế lấn chiếm đường dạo bộ; các cá nhân sử dụng loa kéo phục vụ khách tại nhà hàng và trên đường dạo bộ gây ồn ào…
Link gốc: http://www.nguoiduatin.vn/chan-chinh-tinh-trang-an-xin-ban-hang-rong-cheo-keo-khach-du-lich-a558468.html