Sáng 25/8, TAND Hà Nội tuyên phạt hai bảo mẫu Nguyễn Thị An mức án tù chung thân và Nguyễn Thị Lành (cùng ở Hà Nội) 20 năm tù về tội giết người.
Hai bị cáo là bảo mẫu đã đánh đập, hành hạ khiến bé trai P.T.Đ. (17 tháng tuổi, ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) tử vong vào tháng 2/2023.
Tại phiên toà, bị cáo An thừa nhận có dẫm đạp vào bụng, đầu cháu Đ. và dùng tay đánh vào tai cháu. Khi cháu bé vẫn khóc An để cháu tự ngồi dậy, còn bị cáo ra chỗ khác.
“Lúc đó bị cáo vì tức cháu bé khóc nên đánh để cháu nín. Bị cáo không cố ý”, An khai trước Hội đồng xét xử và quay mặt lại gia đình cháu bé gửi lời xin lỗi.
“Dù biết là muộn nhưng bị cáo vẫn muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc và chân thành nhất đến gia đình bị hại, mong gia đình cháu bé cố gắng vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống”, An nói.
Còn bị cáo Lành thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. “Các bị cáo nhận chăm trẻ thì phải coi trẻ như con mình, chăm sóc dỗ dành khi quấy khóc. Đây lại dùng hành động vậy, bị cáo suy nghĩ gì?”, HĐXX đặt câu hỏi. Lúc này, cả hai bị cáo đều cúi đầu nhận lỗi.
Trong suốt phiên xử mẹ bị hại khóc nấc khi các bị cáo khai rõ từng hành vi bạo hành con mình. Người mẹ này cho biết, do tin tưởng người quen nên đã gửi con từ đầu tháng 2/2023. Hằng ngày cháu Đ. ở nhà rất ngoan.
“Trưa 16/2, khi nhận được điện thoại từ cô giáo nói con bị ốm tôi hoảng quá chạy vào lớp thì thấy con nằm ở nền xốp, người lạnh, chân tay cứng, mắt nhắm, quần áo ướt nên đã hô hào bế con đến Trạm Y tế xã Vạn Điểm sơ cứu. Sau đó, con được chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp I, rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng con không qua khỏi”, mẹ cháu D. bật khóc nói.
Anh T. (chồng bị cáo An) cho biết, gia đình anh đã bồi thường 215 triệu đồng cho bị hại. Còn gia đình bị cáo Lành cũng bồi thường 225 triệu đồng.
Đại diện VKS nhận định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến quyền sống của bị hại, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Cháu Đ. mới đi học quấy khóc, nếu là người đạo đức, có nghiệp vụ thì phải có biện pháp dỗ dành cháu bé, nhưng các bị cáo lại không dùng tình yêu thương để dỗ dành cháu mà dùng tay, chân đánh, đập, dẫm đạp cháu bé.
Hành vi của bị cáo có các tình tiết tăng nặng như giết người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ. Các bị cáo là người bình thường, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình gây ra.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành là đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến quyền sống của bị hại. Các bị cáo đã mở cơ sở trông trẻ trái phép, mặc dù đã bị chính quyền đình chỉ hoạt động, song vẫn tiếp tục trông giữ trẻ.
Khi cháu bé Đ. khóc, các bị cáo không dỗ dành mà còn đánh đập cháu bé, hậu quả khiến cháu bé tử vong. Các bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, cần phải có hình phạt nghiêm khắc, cách ly các bị cáo khỏi xã hội thời gian dài mới đủ sức răn đe.
Theo cáo trạng, bị cáo An và Lành là những người không có bằng cấp chuyên môn về sư phạm, nhưng khoảng tháng 11/2022 đã rủ nhau đứng ra mở lớp nhận trông giữ trẻ em để lấy tiền.
Cả hai đã thuê nhà tại thôn Vạn Điểm (xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội) để làm địa điểm nhận trông giữ trẻ. Giữa tháng 2/2023, do bận đi làm nên chị Phùng Thị T. (SN 1981, ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã gửi con trai là cháu Phạm Tiến Đ. (sinh ngày 11/9/2021) tại cơ sở trông giữ trẻ của An và Lành.
Khoảng 7h30 ngày 23/2, chị T. đưa con đến gửi. An ra đón cháu Đ. và đưa vào lớp. Khoảng 9h30 cùng ngày, lớp có tổng cộng 7 cháu, đều được An và Lành đưa vào phòng ngủ để quản lý.
Lúc này cháu Đ. bỏ chạy ra ngoài, đứng ở cửa và khóc. Bực tức, Lành chạy ra bế em bé lên đưa vào phòng ngủ, rồi ném bé xuống tấm đệm xốp trải dưới nền nhà, làm đầu cháu Đ. bị đập vào tấm đệm xốp.
Cháu bé tiếp tục quấy khóc nên Lành đã tát 2 cái vào mặt cháu Đ. và quát bé không được khóc. Bị cáo để cháu Đ. nằm ở đó và đi ra ghế ngồi.
Khi đó, thấy cháu Đ. vẫn khóc, An đi đến chỗ cháu bé nằm trên tấm đệm, dùng chân đạp vào bụng, ngực cháu bé. Bị đạp vào người, cháu Đ. quay ra nằm nghiêng sang bên phải, nhưng An tiếp tục dùng chân phải dẫm, đạp 1 – 2 cái vào vùng tai trái của cháu bé. Sau đó, An và Lành để cho cháu Đ. tự nín, không khóc nữa và chơi cùng các bạn.
Đến khoảng 16h30 cùng ngày, chị T. đến đón con thì thấy hai bên tai của cháu Đ. bị bầm tím. Người mẹ hỏi nguyên nhân thì Lành nói do cháu Đ. chơi và bị ngã vào rổ đồ chơi.
Do tin vào lời nói của Lành nên chị T. đưa con về nhà. Tối hôm đó, cháu Đ. có hiện tượng nôn, trớ. Các ngày 24 và 25/2, vợ chồng chị T. tiếp tục đưa con đến gửi tại cơ sở trông giữ của An và Lành.
Do có việc riêng nên Lành nghỉ trông các cháu vào cuối ngày 24, ngày 25 và ngày 26/2. Sáng ngày 26/2, chị Tuyên đưa cháu Đ. đến lớp như hàng ngày và gửi con cho An. Đến khoảng 9h30 cùng ngày, An thấy cháu Đ. quấy khóc nên đã bực tức dùng hai tay xách, ném cháu bé xuống nền nhà và dùng chân phải đạp vào bụng cháu Đ.
Khi quay ra, An thấy cháu Đ. bất tỉnh, miệng nôn, tay tự cào vào mặt nên đã gọi điện thoại cho Lành thông báo tình trạng của bé.
Khi nhận điện thoại của An, Lành đã hướng dẫn đồng nghiệp lấy nước cho cháu Đ. uống. Khi cháu bé không uống, An đổ cốc nước vào mặt và dùng tay tát vào mặt em bé để cháu Đ. tỉnh lại. Do cháu không tỉnh nên An đã gọi điện thoại cho chị T. đến lớp.
Người mẹ đến nơi, thấy con trong tình trạng người lạnh, chân tay cứng, mắt nhắm, quần áo ướt nên đã cùng An đưa cháu Đ. đến cơ sở y tế.
Đến 16h15 ngày 2/3, cháu Đ. đã tử vong tại nhà. Giám định pháp y kết luận, nguyên nhân cháu Đ. bị tử vong là suy tuần hoàn hô hấp không hồi phục do chấn thương sọ não nặng.
Tác giả: Minh Tuệ
Nguồn: Báo VTC