Gần đây, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế trong các bệnh viện công lập ở Nghệ An đã nghỉ việc để chuyển sang làm việc ở bệnh viện tư, phòng khám tư hoặc tiếp tục đi học để nâng cao trình độ. Nguyên nhân chủ yếu đó là việc thu nhập chưa tương xứng với cường độ công việc và chất xám bỏ ra.
Bác sĩ L.V.M., người vừa nghỉ việc tại một bệnh viện công lập trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) cho hay, mỗi người nghỉ việc thì đều có lý do riêng của mình. Thế nhưng, nhìn chung đều do áp lực công việc và thu nhập chưa tương xứng.
“Việc thu nhập và áp lực công việc cường độ cao cũng là lý do một phần phải nghỉ việc. Thời điểm dịch COVID-19, cường độ công việc cao thì ai cũng phải chịu nhưng sau dịch thì áp lực công việc cũng rất lớn nhưng đổi lại thu nhập chưa tương xứng”, anh M. nói.
Ngoài ra, theo bác sĩ M., ngành y chi phí đào tạo rất cao, thời gian học cũng lâu hơn so với các ngành nghề khác thế nhưng thu nhập trong bệnh viện công lập thì chưa tương xứng.
“Học phí thực tế bây giờ ở các trường đại học là 75 triệu đồng/năm chưa tính đến sau khi ra trường còn phải đi học chứng chỉ này kia rồi đi làm 2 năm mới có chứng chỉ hành nghề. Còn nếu bác sĩ trơn mới ra trường thì lương không bằng nhân viên văn phòng. Bản thân tôi cũng có thời gian đi làm vì đam mê nhưng giờ gánh nặng về gia đình, chi tiêu thì cũng không thể tiếp tục được. Nhiều khi đi giao lưu anh em đồng nghiệp nói về thu nhập ở bệnh viện này, bệnh viện kia cũng thấy rất chạnh lòng vì áp lực, cường độ công việc có thể mình còn phải nặng hơn”, bác sĩ M. tâm sự.
Cũng vừa nghỉ việc tại một bệnh viện công lập, bác sỹ H.T.V. cho biết, để bỏ một nơi làm việc mình có thời gian gắn bó thì cũng rất tiếc nuối. Thế nhưng, việc chịu áp lực công việc rất cao trong khi thu nhập không thể đáp ứng được cuộc sống đành phải chọn một môi trường khác.
“Mình thấy thu nhập của bệnh viện hiện tại trả chưa tương xứng với với công sức bỏ ra thì mình phải nghỉ. Mặc dù cũng rất tiếc nơi mình từng gắn bó nhưng cuộc sống thì đành phải chấp nhận”, bác sĩ V. nói.
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, tại Nghệ An có 119 y, bác sĩ ở các bệnh viện công lập xin nghỉ việc. Trong số đó, gần một nửa là bác sĩ và có 2/3 trong số những người xin nghỉ việc đã chuyển ra làm việc tại các bệnh viện tư nhân.
Theo vị Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, nguyên nhân khiến nhiều y, bác sĩ phải nghỉ việc là chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế, nhất là y tế dự phòng và cơ sở còn thấp. Nghị định số 56 năm 2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đã cũ, nhưng đến nay vẫn chưa được thay đổi.
Nguyên nhân khác là các bệnh viện công tại Nghệ An đã tự chủ tài chính. Năm 2021, lượng bệnh nhân giảm do dịch COVID-19 khiến các bệnh viện tự chủ gặp khó khăn, mức phụ cấp thấp.
Ông Chỉnh cho rằng, trước đây, cán bộ y tế rất “tha thiết” vào các bệnh viện công nhưng hiện nay thì khác. Các bệnh viện tư nhân được đầu tư máy móc hiện đại, đầy đủ hơn nên các cán bộ y tế có điều kiện thực hành, nâng cao tay nghề.
“Một bác sĩ mới ra trường làm việc ở bệnh viện công, lương chỉ 5-7 triệu đồng/tháng, nhưng các bệnh viện tư sẵn sàng trả 15-20 triệu đồng/tháng. Một bác sĩ nội trú ra trường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An trả cao nhất chỉ 15 triệu đồng/tháng, nhưng các bệnh viện tư có thể trả 70-100 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Nghệ An hiện đã có 16 bệnh viện ngoài công lập”, ông Chỉnh nói.
Người đứng đầu ngành y tế Nghệ An cho hay, để hạn chế tình trạng y, bác sĩ nghỉ việc, ngành sẽ làm công tác tư tưởng để động viên các y, bác sĩ; đồng thời kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quyết định về chế độ, chính sách ưu đãi cho lực lượng y, bác sĩ và kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An có chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế.
Theo Văn Bình
Link gốc: http://antt.nguoiduatin.vn/bac-si-nghi-viec-o-benh-vien-cong-lap-nghe-an-khong-the-lam-viec-mai-vi-dam-me-345143.htm