Vi phạm phổ biến
Nhiều tháng nay, tình trạng sạt lở bờ sông Lam đoạn qua các xã như: Long Xá, Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên), diễn ra nghiêm trọng. Những bãi bồi màu mỡ, thường được người dân canh tác 2 vụ, nhưng có khi sắp đến ngày thu hoạch, lại phải bất lực nhìn chúng trôi tuột xuống lòng sông. Vì thế, nhiều hộ dân chẳng còn dám canh tác, để hoang đất. Tình trạng sạt lở bờ sông ở 2 xã này nghiêm trọng đến mức, huyện Hưng Nguyên đã phải tính đến phương án chi hơn 100 tỷ đồng để xây dựng và nâng cấp bờ kè.
Cách khu vực sạt lở không xa về phía thượng nguồn, hàng loạt xà lan lớn đang miệt mài bơm hút cát từ dưới lòng sông. Theo người dân địa phương, việc khai thác cát quá mức chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở. Nếu như trước đây, người dân lo ngại về tình trạng khai thác cát trái phép, thì gần đây, họ còn có thêm nỗi lo khác, đó là những doanh nghiệp được cấp phép hút cát nhưng lại khai thác vượt mức cho phép. “Điều này về bản chất cũng chẳng khác gì khai thác trái phép. Thậm chí còn gây nguy hiểm hơn vì ở một điểm mỏ, cơ quan chuyên môn đã phải đánh giá rồi mới cho phép họ khai thác với mức ấy. Nhưng bây giờ họ vượt mức thì sẽ gây tác động rất lớn”, ông Nguyễn Long Hạnh (75 tuổi, xã Tân Thượng Lộc, huyện Nam Đàn) bức xúc nói.
Tại huyện Nam Đàn, UBND tỉnh Nghệ An vừa xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng đối với Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành vì hành vi khai thác cát vượt mức này. Đây là một trong những hợp tác xã có nhiều xà lan khai thác cát nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hợp tác xã này hiện có tới 53 xà lan, được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn qua các xã Khánh Sơn, Tân Thượng Lộc… Điều đáng lo ngại là hợp tác xã này đã khai thác vượt mức cho phép trong suốt 2 năm liền mà chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không hề phát hiện ra.
Mãi tới gần đây, khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vào cuộc kiểm tra thực tế đồng thời đối chiếu với hóa đơn thuế, mới phát hiện trong năm 2020, Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành đã khai thác vượt 80,8% công suất cho phép. Còn năm 2021 thì vượt 171,6% công suất được phép khai thác hàng năm.
Nghiêm trọng hơn, tại huyện Thanh Chương, Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương đã khai thác cát vượt mức cho phép 211,2% trong năm 2020. Còn năm 2021, công ty này cũng vượt 208,6% công suất được phép khai thác hàng năm. Công ty này sau đó cũng đã bị xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng.
Cũng như Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành, Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương là “ông lớn” trong lĩnh vực khai thác cát. Công ty này được cấp phép 3 mỏ trên sông Lam đoạn qua các xã Võ Liệt, Thanh Chi và Đồng Văn. Ngoài ra, toàn bộ 15 bến bãi tập kết kinh doanh cát sỏi trên địa bàn huyện Thanh Chương đều thuộc sở hữu của công ty này.
Không chỉ huyện Nam Đàn và Thanh Chương, tại huyện Đô Lương gần đây cũng xảy ra tình trạng khai thác cát vượt mức cho phép. Cụ thể, vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hoàng Nguyên 300 triệu đồng vì hành vi khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản. Công ty này được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn từ xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tới xã Cát Văn, huyện Thanh Chương. Công suất được phép khai thác cát hàng năm của công ty này là 23.920m3.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong năm 2021, công ty này đã khai thác 30.751,5m3, vượt 28,5% công suất, với khối lượng vượt là 6.831m3. Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh cũng buộc Công ty TNHH Hoàng Nguyên phải thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra.
Khó giám sát?
Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, trên địa bàn huyện có 8 khu vực mỏ được cấp phép khai thác cát, sỏi. Trong đó, có đến 4 mỏ của Công ty TNHH Hoàng Nguyên và Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương. Đây là 2 công ty vừa bị xử phạt vì khai thác vượt công suất cho phép.
Lãnh đạo huyện Thanh Chương cũng thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép cũng như khai thác cát ngoài điểm mỏ được cấp phép. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm địa phương này xử phạt hơn 1 tỷ đồng vì những vi phạm này. Tuy nhiên, về việc khai thác vượt công suất, ông Thanh cho biết rất khó giám sát. “Về việc khai thác trái phép hay khai thác ngoài khu vực mỏ thì phát hiện được nhưng việc kiểm soát khối lượng thì rất khó”, ông Thanh nói.
Tương tự, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Đàn cho biết, đơn vị không quản lý được vấn đề này. “Chúng tôi không quản lý được cái đó. Họ khai thác tại mỏ, chở xuống huyện Hưng Nguyên bán, ai mà giám sát được. Chúng tôi chỉ kiểm soát khai thác trong mỏ hay không, đừng ra khỏi mỏ là được. Còn việc công suất khai thác, làm sao mà quản được”, vị này nói và cho rằng, để kiểm soát được tình trạng này, cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy.
“Khi xà lan ra khỏi mỏ, vận chuyển đến điểm bán mà lực lượng này chốt chặn kỹ, kiểm tra hóa đơn rồi căn cứ hóa đơn thuế là xử lý được”, vị này nói thêm.
Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Khánh Dũng – Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị chỉ quản lý phương tiện, không quản lý bến bãi và điểm mỏ nên rất khó kiểm soát. “Như trên mặt đất, dùng hình ảnh vệ tinh thì giám sát được, chứ dưới mặt nước thì chịu. Về nguyên tắc khi xuất bán, tại điểm bán phải có cân trọng tải, camera, số liệu ra vào hàng ngày phải lưu. Nhưng hiện tại gần như chưa có nơi nào có”, Thiếu tá Dũng nói.
Còn một vị cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đô Lương thì cho hay, trên thực tế một số doanh nghiệp cũng có lắp camera và bố trí cân trọng tải, tuy nhiên chỉ là để đối phó với đoàn kiểm tra. “Khi đoàn kiểm tra về, họ lại tắt camera, nhiều xe thì lại không đi qua trạm cân. Vì thế, rất khó giám sát. Để giám sát được, có lắp camera và cân trọng tải thôi chưa đủ, mà còn phải kết nối hệ thống camera đó với phía công an và Chi cục Thuế. Tuy nhiên, giải pháp này đến nay chưa được triển khai”, vị cán bộ này nói.
Tăng cường quản lý nhà nước
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương xác định rõ nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, làm cơ sở để thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế và nguồn thu cho ngân sách nhà nước…
Bên cạnh đó, kiểm tra, xử lý dứt điểm việc thực hiện lắp đặt camera, trạm cân của các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh bến, bãi tập kết khoáng sản cát, sỏi; nghiên cứu quy định về việc kết nối dữ liệu camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu của các đơn vị khai thác với cơ quan Thuế, cơ quan quản lý tài nguyên để giám sát sản lượng khai thác tại mỏ. Kiểm soát chặt chẽ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ để ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa khoáng sản trái phép, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản chưa được cấp phép. Có quy chế phối hợp giữa cơ quan Thuế với ngành Công an, Cục Quản lý thị trường để xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản; theo dõi, rà soát việc khắc phục và chấp hành quy định pháp luật sau thanh tra, kiểm tra. Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoáng sản, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo Tiến Hùng
Link gốc: https://baonghean.vn/ai-kiem-soat-khoi-luong-khoang-san-khai-thac-tai-cac-mo-post265498.html