Vì sao dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt chậm tiến độ?

Cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), doanh nghiệp đã cầu cứu đến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhờ gỡ vướng. Trong khi đó, đại diện chính quyền thì cho rằng, tại các điểm nghẽn này là do phát sinh, điều chỉnh trong quá trình thi công. Trên thực tế, tại các vị trí này doanh nghiệp dự án vẫn chưa triển khai thi công.

Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt có chiều dài 49 km, đi qua hai tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9km), được đầu tư theo hình thức PPP. Dự án được khởi công vào tháng 5/2021, dự kiến hoàn thành xây lắp trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, theo Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án), luỹ kế giá trị sản lượng thực hiện dự án ước đạt xấp xỉ 3.300 tỉ đồng, tương  đương 38,2% giá trị hợp đồng (theo tiến độ điều chỉnh lần 3 dự án đang chậm 2,7%).

Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt đoạn quan huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) nhiều vị trí trên tuyến chính vẫn chưa rõ hình hài.

Mặc dù mặt bằng cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã bàn giao xong các tuyến chính, nhưng hiện vẫn còn vướng mắc nhiều điểm hai bên đường gom, đường điện và nhà dân, trong đó bao gồm cả những điểm phát sinh và tồn đọng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung của dự án. Theo báo cáo ngày 28/5 của doanh nghiệp dự án gửi Bộ GTVT, hiện nay khối lượng vướng mặt bằng còn lại chủ yếu tại các điểm cục bộ trên địa bàn huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Cụ thể, tại huyện này hiện còn 9 vị trí vướng mặt bằng đối với các hộ dân, 9 vị trí phát sinh do thay đổi lý trình khi chuyển từ cống xiên sang thẳng và 4 vị trí trên tổng số 73 đường điện chưa di dời (gồm 1 vị trí đường điện cao thế 110KV và 3 vị trí đường điện hạ thế, trung thế).

Ghi nhận của phóng viên, tính đến ngày 29/5, việc thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đoạn qua địa bàn huyện Hưng Nguyên đang diễn ra với tốc độ “rùa bò”. Nhiều vị trí trên tuyến đến nay mới được các nhà thầu tiến hành khâu đầu tiên trong quá trình bóc phong hóa, bóc dỡ nền đất yếu. Thậm chí, có những vị trí dự án vẫn đang là đất nông nghiệp nguyên thổ, chưa có bất cứ hoạt động thi công nào, dẫn đến dự án đoạn qua địa bàn Hưng Nguyên đến nay nhiều vị trí chưa rõ hình hài.

Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng ban Tư vấn GPMB huyện Hưng Nguyên, ngày 20/5, sau khi nhận được công văn đề nghị giải quyết vướng mắc mặt bằng dự án cao tốc đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt từ doanh nghiệp dự án, UBND huyện Hưng Nguyên đã khẩn trương rà soát, làm rõ những vướng mắc liên quan. Theo đó, quá trình triển khai xây dựng, các đơn vị nhà thầu đã làm phát sinh một số “điểm nghẽn” về mặt bằng, cần có sự điều chỉnh hợp lý. Đơn cử, tại vị trí đường dẫn vào hầm chui tại Km453+206, xóm 4 xã Hưng Yên Nam, mặt bằng đường dẫn vào hầm chui đi qua nhà ông Nguyễn Văn Công đã hoàn thành công tác GPMB, nhưng người dân trong vùng cản trở không cho thi công và yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vì do mặt đường cống chui hạ xuống so với mặt đường hiện trạng từ 1,2 – 1,6m.

Đây là tuyến đường duy nhất kết nối từ Trung tâm xã đến xóm 4 xã Hưng Yên Nam và xóm 5 xã Hưng Yên Bắc, vào mùa mưa lũ khu vực này thường bị ngập sâu, chia cắt. Trước sự việc đó, UBND huyện đã có công văn số 183/UBND-KTHT ngày 14/2/2023 gửi Ban Quản lý dự 6 và Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng kiểm tra xử lý. Ngày 10/5/2023, Ban quản lý dự án 6 và doanh nghiệp dự án đã tổ chức buổi kiểm tra hiện trường, nhưng qua kiểm tra chưa thống nhất được phương án giải quyết, nên người dân vẫn ra cản trở thi công và yêu cầu điều chỉnh thiết kế…

Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng thừa nhận, dự án đang chậm tiến độ và rất khó để về đích đúng thời hạn. Nguyên nhân có nhiều, trong đó giai đoạn đầu của dự án, mất khoảng 9 tháng để giải ngân các gói tín dụng nên dự án có thời gian thi công là 3 năm, nhưng trên thực tế chỉ có khoảng hơn 2 năm để thi công. Cùng với vướng mắc trong khâu GPMB, giá cả leo thang, nguồn vật liệu khan hiếm và thời tiết khắc nghiệt của miền Trung cũng ảnh hưởng không ít đến tiến độ của dự án. Riêng về nguồn vật liệu, đến nay dù tổng trữ lượng các mỏ đã được doanh nghiệp dự án phê duyệt đáp ứng nhu cầu, song các mỏ phân bố ở cách xa dự án nên khi vật liệu được mua và vận chuyển về tới công trường giá thành cao hơn nhiều so với dự toán được duyệt.

Một số mỏ gần dự án như mỏ của Công ty Phú Nguyên Hải thì chất lượng đất không đồng đều nên khi sử dụng cho dự án phải lựa chọn, sàng lọc đá to dẫn đến khối lượng không được nhiều và tiến độ cấp chậm. Ngoài ra, một số mỏ của Nhà đầu tư, đơn cử là của Công ty TNHH Hòa Hiệp đã xong tục, chỉ cách tuyến 1,5km nhưng hiện không khai thác được do người dân ở địa phương ở gần khu vực mỏ chặn đường không cho vào. Do tuyến đường này trùng với đường vào xây dựng khu công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng hiện người dân đang phản đối việc xây dựng. Cũng theo doanh nghiệp này, hiện mỏ đất tại xã Hưng Yên Nam người dân cũng không cho vào khai thác vì mỏ này là mỏ thuộc dự án chống sạt trượt.

Theo doanh nghiệp dự án, để đẩy nhanh tiến độ, trong thời gian tới các Nhà thầu cần tiếp tục huy động thêm đủ các mũi thi công theo bảng tiến độ lập, tăng cường thêm thiết bị tại các mũi thi công hiện có, tổ chức thi công tăng ca, thêm giờ và đặc biệt phải bổ sung ngay các mũi thi công đắp nền đường đối với các vị trí có xử lý nền đất yếu và mũi thi công cầu lớn. Tăng cường huy động các mũi thi công xử lý nền đất yếu, đây là đường găng quan trọng quyết định việc hoàn thành tiến độ chung của toàn dự án.

Theo Thiên Thảo

Link gốc: https://cand.com.vn/Ban-doc-cand/vi-sao-du-an-cao-toc-dien-chau–bai-vot-cham-tien-do–i695389/