Phó chủ tịch Quốc hội: Tránh đoàn giám sát đi đông, ‘cưỡi ngựa xem hoa’

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay cần tránh đoàn giám sát đi đông, tham quan một buổi, làm việc với cơ sở, đi rồi về, rất "cưỡi ngựa xem hoa".

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – Ảnh: Media Quốc hội 

Ngày 20-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đại diện đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết phạm vi giám sát chuyên đề này là trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31-12-2024 trên phạm vi cả nước (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay).

Nội dung giám sát sẽ tập trung đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực.

Từ đó đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả.

Đối tượng giám sát là Chính phủ và các bộ Giáo dục và Đào tạo; Lao động – Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ, ngành liên quan; UBND 63 tỉnh, thành phố.

Trong đó sẽ tổ chức các đoàn công tác để tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh.

Học theo phong trào, thầy nhiều hơn thợ

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đất nước muốn phát triển đi lên phải thực sự quan tâm đến Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, phải thực sự là “quốc sách hàng đầu”.

Lần giám sát này, ông Mẫn đặt ra yêu cầu về việc sử dụng nguồn nhân lực phù hợp, ví dụ như đào tạo ra phải có việc làm, đào tạo đúng ngành nghề.

Ông cũng cho biết ở trong nước, có thời gian thấy học theo phong trào, học vi tính, quản trị kinh doanh, xã hội học…

“Thực tế cho thấy có thời gian học theo phong trào, thấy cái gì dễ thì đăng ký học nhưng học ra không có việc làm, thầy nhiều hơn thợ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cũng lưu ý phải nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện, nội dung nào đang thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện? Lý do vì sao đây là những vấn đề dư luận xã hội, nhân dân quan tâm.

“Ai cũng có gia đình, có con em đi học, đều mong muốn học, đào tạo xong có việc làm, phục vụ đất nước, nhân dân. Nhưng thực tế vừa qua như thế nào, phải xem xét kỹ vấn đề này”, ông Mẫn yêu cầu.

Ông đề nghị số liệu qua giám sát phải đầy đủ, đưa ra một “bức tranh” tương đối toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực của đất nước ta hiện nay.

Đồng thời đánh giá rõ quy mô, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong mối tương quan giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Nêu rõ các kiến nghị, đề xuất đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm…

Ông nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của giám sát là đưa ra các kiến nghị, cơ quan nào, ngành nào phải chỉ rõ. Mỗi thành viên trong đoàn phải thực sự trách nhiệm, có đề xuất kiến nghị cụ thể.

Theo ông, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải thật sự đổi mới, thiết thực, lấy hiệu quả là chính, tránh việc đi nhiều địa phương, nhiều ngành nhưng hiệu quả mang lại không lớn.

Cần cơ chế huy động đội ngũ chuyên gia phục vụ giám sát

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần có phương thức giám sát cũng như cơ chế để huy động đội ngũ chuyên gia phục vụ hoạt động giám sát.

Ông lưu ý đến thực trạng đoàn giám sát đi đông, tham quan một buổi, làm việc với cơ sở, đi rồi về, rất “cưỡi ngựa xem hoa”.

Thay vì thế, cần lựa chọn xem tỉnh, thành nào cần đi hãy đi. Có thể về đó nhiều ngày, lấy thông tin rất sâu, như thế kết quả sẽ tốt.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất đề cương giám sát cần xây dựng cho từng vùng miền, từng địa phương, vì mỗi nơi đều có đặc thù khác nhau.

Bà Hải ví dụ, tỉnh Thái Nguyên có Đại học Thái Nguyên – đào tạo nhân lực chất lượng cao rất lớn cho cả miền Bắc. Nhưng với tỉnh Bắc Kạn, không có trường đại học nào lại khác.

Vì vậy đề cương giám sát không nên áp dụng chung cho Hà Nội, TP.HCM, rồi cả các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, mà phải hướng vào đối tượng và đặc thù của mỗi tỉnh.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn: tuoitre.vn