Ông Trần Cao Thành, nguyên phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai), đã bị buộc thôi việc do sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH “không hợp lệ”. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng đây là “lỗi ở lịch sử”.
Ông Thành cam đoan là mình có học, có thi tốt nghiệp PTTH đầy đủ 4 môn, có bạn bè cùng phòng cùng lớp và một số thầy cô còn sống xác nhận. Bằng tốt nghiệp PTTH đó do cơ quan quản lý giáo dục cấp.
Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm gặp lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu rõ hơn về quá trình học tập, thi tốt nghiệp cũng như các thông tin liên quan đến bằng tốt nghiệp của ông Thành.
Ông Hoàng Bá Hùng – chánh thanh tra Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Tĩnh – khẳng định ông Trần Cao Thành là cựu học sinh Trường PTTH Đức Thọ, hiện kết quả học tập của ông vẫn còn lưu trữ. Ông Thành có tham dự kỳ thi tốt nghiệp PTTH tại hội đồng coi thi huyện Đức Thọ vào năm 1989.
Trên bảng ghi tên, ghi điểm riêng cá nhân ông Thành bị đánh dấu nhân, không điền số điểm các môn thi. Đối với nội dung này, do ông Thành thi tốt nghiệp đã lâu, hiện Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Tĩnh chưa tìm lại được quy chế thi thời điểm đó nên chưa thể chỉ ra nguyên nhân điểm ông Thành bị đánh chéo.
“Tôi được biết, khoảng thời gian ông Thành thi tốt nghiệp, nếu thí sinh vi phạm quy chế thi đến mức bị hủy kết quả thi, đồng nghĩa với việc không nhập điểm vào bảng ghi tên, ghi điểm để làm căn cứ xét tốt nghiệp”, ông Hùng nói.
Ông Hùng phân tích, tại hội đồng thi Đức Thọ năm 1989, có 7 người bị đánh dấu nhân trong bảng ghi tên, ghi điểm tốt nghiệp. Cả 7 người này đều không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp, trong đó có ông Thành, vì vậy đây không phải là trường hợp đặc biệt hoặc sai sót như ông Thành nói là “lỗi ở lịch sử”.
Trong quá trình kiểm tra việc sử dụng bằng tốt nghiệp của ông Thành, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Pleiku đã 3 lần gửi văn bản đến Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xác minh một số nội dung liên quan.
Sở này khẳng định: ông Thành không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp PTTH khóa thi năm 1989 tại hội đồng thi PTTH Đức Thọ; ông Thành không có tên trong sổ cấp phát bằng tốt nghiệp năm 1989.
Đối chiếu các thông tin trong bằng gốc mang tên ông Trần Cao Thành do Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Pleiku gửi về với hồ sơ lưu trữ tại trường ông Thành theo học thì có một số nội dung không trùng khớp.
Cụ thể, trong bằng gốc ghi xếp loại văn hóa – trung bình, lao động – khá, rèn luyện thân thể – trung bình; còn tại sổ điểm còn lưu ở trường thì xếp loại văn hóa – yếu, lao động – tốt, rèn luyện sức khỏe – yếu.
Song, để đảm bảo quyền lợi cho ông Thành, phía Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã gửi bằng gốc của ông Thành đến Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Hà Tĩnh) xác minh tính pháp lý. Qua giám định, phía công an xác định chữ viết trên bằng tốt nghiệp cấp cho ông Thành có dấu vết tẩy xóa, sửa chữa, phần chữ viết hiện tại là nội dung được viết mới.
Ông Hùng khẳng định, phôi bằng, chữ ký, con dấu trong bằng có tên ông Trần Cao Thành đều là thật. Tuy nhiên, tên chữ viết trong bằng có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa nên tấm bằng này không hợp lệ chứ không thể gọi là bằng giả.
“Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã có các văn bản phản hồi đến Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Pleiku khẳng định ông Thành không có tên trong danh sách tốt nghiệp PTTH năm 1989 từ nhiều tháng nay, đến thời điểm hiện tại sở vẫn không nhận được bất kỳ ý kiến gì của ông Thành”, ông Hùng nói thêm.
Theo Lê Minh/Tuổi trẻ
Link gốc: https://tuoitre.vn/vu-thay-giao-keu-oan-ve-bang-tot-nghiep-khong-hop-le-so-giao-duc-va-dao-tao-ha-tinh-noi-gi-20220628103403357.htm