F88 làm trung gian, “mượn đầu heo nấu cháo”
Sau khi cung cấp lại các thông tin cần thiết, để có thông tin đầy đủ, chúng tôi đồng thuận để nhân viên F88 làm thủ tục vay. Nhân viên nhập tất cả lên hệ thống, F88 xuất ra một bảng chi tiết thanh toán. Tại cửa hàng này, phóng viên chỉ được định giá vay 14.200.000 (như đã nêu ở bài 2). Tuy nhiên, một số khoản tiền bảo hiểm khác xuất hiện làm con số đội lên thành hơn 15.736.000 đồng, chênh lệch 1.536.000 đồng.
Trong bảng thống kê còn có các phần: Lãi là 1.10%/tháng, Phí KGHH là 624.000 đồng/tháng và để trống hai phần Phí thẩm định và Phí QLTS. Như đã nói ở bài 1, tiền lãi của F88 thể hiện qua 4 khoản trong phần lý do nộp “Đóng lãi vay cho hợp đồng số….”: Thứ nhất là Trả tiền lãi trong hạn. Thứ hai là Phí thẩm định điều kiện cho vay. Thứ ba là Phí quản lý tài sản cầm cố. Thứ tư là Thuế.
Cộng hết tất cả các khoản này lại, F88 gọi chung đó là “Chi phí vay”. Chi phí vay chúng tôi phải trả cho khoản vay nói trên dao động từ hơn 518.000 đồng đến hơn 950.000 đồng.
– “Chi phí vay là gì mà cao vậy em?”, phóng viên thắc mắc.
– “Là tiền lời”, nhân viên đáp lại.
Với tổng số tiền hơn 15.736.000 đồng, mỗi tháng người vay phải trả từ hơn 1.920.000 đến hơn 2.170.000 đồng, cả gốc và lời. Sau 12 tháng, tổng số tiền đội lên hơn 24.500.000 đồng, chênh lệch hơn 8.830.000 đồng so với tiền gốc.
Nếu tính ra lãi cầm cố tại cửa hàng cầm đồ hay các doanh nghiệp tài chính thì tiền lời F88 đưa ra khác nào cho vay “cột điện”, kiểu bốc bát họ mỗi tháng phải trả góp, nên phần chênh lệch thực tế rất cao.
Đoạn cuối là Ngân hàng CIMB
Sau khi giải đáp các thắc mắc khó hiểu, nhân viên F88 cho biết: “Bây giờ bên em (F88) liên kết với Ngân hàng CIMB Việt Nam để cho vay. Hợp đồng anh sẽ ký online với ngân hàng này”. Đoạn rồi, nhân viên lấy ra một số giấy tờ và đề nghị phóng viên ký vào giấy đề nghị vay tại Ngân hàng CIMB Việt Nam để tải lên hệ thống; đồng thời đưa thêm một hợp đồng ký gửi tài sản với F88, trong hợp đồng có đoạn: “Bên cho vay là Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam”.
Phóng viên thực hiện các bước theo hướng dẫn. Nhân viên hoàn tất các bước tiếp theo. Một tin nhắn từ đầu số CIMB Bank gửi đến số điện thoại của phóng viên với nội dung: “Vui lòng ấn vào đường link https://octo.cimbbank.com.vn/…, để xem và ký hồ sơ vay (viết không dấu – PV)”.
Đường link này dẫn đến trang web của Ngân hàng CIMB Việt Nam, một hợp đồng điện tử hiển thị trên màn điện thoại. Theo thông tin trên hợp đồng, tổng khoản vay là hơn 15.736.000 đồng, bao gồm: Số tiền vay tiêu dùng là 15.000.000 đồng và Số tiền vay thanh toán phí bảo hiểm là hơn 736.000 đồng. Thời hạn vay là 12 tháng, mức lãi suất là 15,5%.
Nhân viên yêu cầu phóng viên ký vào hợp đồng điện tử và nhập mã OTP gồm 6 số được CIMB Bank gửi đến để hoàn tất thủ tục, màn hình hiển thị cửa sổ “Chúc mừng bạn – Hợp đồng của bạn đã được ký thành công”. Liền sau đó, khoản vay 15.000.000 đồng được ngân hàng CIMB giải ngân vào tài khoản phóng viên.
Tuy nhiên, ngay lập tức, phóng viên truy cập vào đường link dẫn đến hợp đồng để kiểm tra lại thông tin thì không truy cập được. Chúng tôi đã thử lại nhiều lần nhưng đều bất thành, mọi thông tin đều ẩn mất.
Với sự kết hợp này, Ngân hàng CIMB hoàn toàn giao quyền lập hồ sơ vay cho phía F88 mà không cần thẩm định, kiểm chứng và tạo điều kiện cho công ty cầm đồ này hưởng phần lớn tiền lời trên một khoản vay.
Chưa kể, Ngân hàng CIMB Việt Nam ngang nhiên thu hơn 736.000 đồng tiền bảo hiểm của người vay (hợp đồng là 15.736.000 đồng nhưng chỉ giải ngân 15.000.000 đồng). Thông tin trên Hợp đồng thể hiện, tiền bảo hiểm này chuyển về F88. Lại thêm, phía F88 tiếp tục thu thêm 800.000 đồng bảo hiểm bằng tiền mặt để khoản vay về đúng 14.200.000 đồng, như ban đầu F88 định giá.
Trước khi ra về, nhân viên F88 đưa cho Phóng viên một tập hồ sơ, trong đó có 3 loại bảo hiểm đi kèm khoản vay, lần lượt có giá: 800.000 đồng, hơn 436.000 đồng và 300.000 đồng. Tổng bảo hiểm là hơn 1.536.000 đồng, con số chênh lệch mà chúng tôi đã nêu ở đầu bài viết này.
Như vậy, chênh lệch giữa số tiền thực nhận (14.200.000 đồng) và phải trả (24.500.000 đồng) là hơn 10.300.000 đồng (72%). Theo lý thuyết, phía ngân hàng hưởng 15,5% như lãi suất trong hợp đồng, còn F88 thu lợi 56,5% số tiền chênh lệch.
Việc hợp tác là đôi bên cùng có lợi, mối quan hệ win – win, vậy thực tế số tiền chênh lệch này phân phối ra sao? Phóng viên liên lạc theo số hotline của Ngân hàng CIMB Việt Nam, nhân viên tư vấn cho biết, F88 là đối tác của CIMB Việt Nam. Phía ngân hàng là đơn vị giải ngân tiền, còn lãi suất phải hỏi F88.
Chúng tôi hỏi lại: “Vậy nếu F88 muốn nâng tiền lãi lên bao nhiêu cũng được hay sao, lỡ nâng lên 100% mà Ngân hàng không biết, không kiểm soát thì sao? Rồi phần chênh lệch này phân phối như thế nào?”.
Nhân viên Ngân hàng CIMB Việt Nam không trả lời được!
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Thế nhưng Ngân hàng CIMB Việt Nam lại phối hợp cùng F88 công nhiên kê khai bảo hiểm vào hợp đồng điện tử để bán cho người vay, bất chấp yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng CIMB Việt Nam được cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài năm 2016, là chi nhánh của Tập đoàn CIMB, một ngân hàng nước ngoài. Trụ sở chính CIMB Việt Nam đặt tại Hà Nội.
Để rửa nguồn dòng tiền, Ngân hàng CIMB Việt Nam và F88 đã tự ý sử dụng thông tin cá nhân của người vay mở một số tài khoản tại ngân hàng BIDV. Theo nhân viên F88, khi đến hạn phải trả, người vay có thể chuyển khoản vào tài khoản này hoặc ra trực tiếp F88 trả tiền mặt.
Theo Trần Tây Côn – Nguyễn Tiến Đạt
Link gốc: https://ngaynay.vn/voi-bach-tuoc-f88-bai-3-doan-cuoi-con-duong-la-ngan-hang-cimb-post127950.html