Chuyện ngân hàng liên kết với bảo hiểm để bán bảo hiểm nhân thọ, luôn đi kèm theo những tai tiếng trong thời gian gần đây. Trong nhiều vụ việc, khách hàng bức xúc vì tiền tiết kiệm bỗng biến thành hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, khi người dân phát hiện sự việc thì sự đã rồi và không dễ gì giải quyết.
Sự việc ông Nguyễn Đình Huệ (Nghệ An) có mục đích gửi hơn 3,3 tỷ đồng tiền tiết kiệm vào Ngân hàng PVcomBank nhưng lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là minh chứng những nhận định trên. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) để làm rõ thêm bản chất vụ việc.
Quan điểm của luật sư về vụ tiền gửi tiết kiệm của khách hàng bỗng dưng biến thành các hợp đồng bảo hiểm?
Vụ việc ông Nguyễn Đình Huệ gửi tiền tiết kiệm bỗng chuyển thành các hợp đồng bảo hiểm giống như nhiều trường hợp khác xảy ra trong thời gian qua. Các vụ việc đều có điểm giống nhau là khách hàng thực hiện giao dịch với mục đích gửi tiết kiệm. Tuy quá trình thực hiện giao dịch, họ bị chính những nhân viên ngân hàng này cùng với người khác (nhân viên của ngân hàng hoặc bên thứ ba) dẫn dắt chuyển thành các hợp đồng bảo hiểm hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp.
Đây là những dấu hiệu vi phạm được chủ thể thực hiện tinh vi khiến khách hàng không thể nhận thức rõ bản chất của vấn đề (tiền gửi hay hợp đồng bảo hiểm). Các hành vi này được thực hiện có tổ chức và bắt nguồn từ chính nhân viên ngân hàng.
Do đó, nếu không đánh giá kỹ quy trình thực hiện, diễn biến toàn bộ vụ việc có liên quan đến cá nhân mà chỉ dựa theo chứng cứ (chữ ký trên hợp đồng) thì không đánh giá chính xác về bản chất vụ việc, cũng như bỏ qua các lỗi của bên tổ chức, vai trò từng cá nhân trong quá trình giao dịch. Việc xác minh quá trình thực hiện các giao dịch còn giúp tránh được tư duy theo kiểu dùng hậu quả để chứng minh quá trình.
Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, không phải các hợp đồng bảo hiểm nào qua ngân hàng đều là có vi phạm. Vi phạm hay không phụ thuộc vào việc chứng minh hành vi vi phạm liên quan. Nếu không thực hiện được việc này, rất khó để hủy hợp đồng bảo hiểm.
Trên thực tế, khi ông Huệ phát hiện sự việc thì mọi thứ dường như vượt qua tầm kiểm soát của mình. Cần nhìn nhận bản chất của vấn đề này ra sao, thưa luật sư?
Đây thực chất là hậu quả của cả một quá trình lừa dối, dẫn dắt, xuất phát từ hành vi có dấu hiệu vi phạm nghiệp vụ của nhân viên ngân hàng. Bản thân bản hợp đồng chỉ là chứng cứ, là tờ giấy (vật vô tri) không lừa dối ai. Do đó, phải khẳng định các chủ thể (nhân viên ngân hàng, nhân viên bảo hiểm, người đại diện công ty bảo hiểm ký hợp đồng) là chủ thể cần xem xét có hoặc không có các vi phạm có liên quan. Lưu ý, nếu chỉ suy xét chữ ký trên bản hợp đồng của người dân để nhận định, đánh giá bản chất của giao dịch là sai về hành vi, thời điểm và cả chủ thể.
Để chứng minh hợp đồng vô hiệu do lừa dối, nhầm lẫn, giao dịch không đủ điều kiện hiệu lực (theo Điều 117; Điều 126; Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015) cần làm rõ diễn biến vụ việc, các đối tượng có liên quan (nhân viên ngân hàng, nhân viên bảo hiểm, người đại diện công ty bảo hiểm ký hợp đồng).
Trường hợp phản ánh của người dân là đúng sự thật thì công ty bảo hiểm phải hoàn trả cho khách hàng số tiền đã đóng. Phần thiệt hại xảy ra (lãi trong thời gian này) sẽ do các bên gồm công ty bảo hiểm và người tham gia giao dịch có trách nhiệm liên đới bồi thường cho người dân.
Vậy, người dân cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước các tình huống pháp lý có liên quan, thưa luật sư?
Với những người dân chưa tham gia các hợp đồng bảo hiểm thì nên thận trọng khi tham gia. Đối với những giao dịch có giá trị, giao dịch mang tính chuyên môn cần mời bên tư vấn tham gia để có sự lựa chọn chính xác. Quan trọng nhất là người dân phải tự nhận thức và chủ động bảo vệ mình.
Trường hợp, người dân nhận thấy quyền lợi bị xâm hại có thể gửi đơn đến cơ quan điều tra để xác minh, làm rõ dấu hiệu việc lừa dối khách hàng đối với nhân viên ngân hàng. Người dân cũng có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp giao dịch không đủ điều kiện hiệu lực hoặc hợp đồng vô hiệu do lừa dối, nhầm lẫn. Qua việc giải quyết của cơ quan nhà nước, sẽ xác định trách nhiệm cá nhân căn cứ theo chứng cứ của vụ việc.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!
Theo Trần Quốc Toản
Link gốc: https://nongnghiep.vn/tien-gui-tiet-kiem-thanh-hop-dong-bao-hiem-tai-pvcombank-khach-hang-bi-dat-bay-d356698.html