Theo đó Bộ Tài chính khẳng định, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 2 lần theo đúng báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: Lần 1 vào ngày 10/1/2022, lần 2 vào ngày 10/7/2022.
Premium (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu, coi như lợi nhuận của bên bán) trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh 02 lần theo thực tế báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: Lần 1 vào ngày 10/1/2022 và lần 2 vào ngày 7/10/2022.
Đối với khoản lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính khẳng định theo quy định tại Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 lợi nhuận định mức tối đa được áp dụng trong công thức giá cơ sở xăng dầu là 300 đồng/lít, kg. Các yếu tố cấu thành giá đã được phản ánh đầy đủ từ giá nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông, bán hàng và các khoản chi phí về thuế; yếu tố lợi nhuận định mức để đảm bảo nguyên tắc hoạt động kinh doanh, cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu. Lợi nhuận thực tế trong kinh doanh xăng dầu phụ thuộc vào kết quả hoạt động của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Như vậy, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh theo thực tế phát sinh trên cơ sở rà soát số liệu có kiểm chứng tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính khẳng định để có cơ sở rà soát đánh giá các khoản chi phí định mức, cơ quan này vào ngày 21/10/2022 đã có công văn gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, các khoản chi phí kinh doanh xăng dầu; đồng thời, đề nghị Bộ Công thương phối hợp cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể, và có đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí trên sau khi đã được điều chỉnh để có cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.
Riêng về kiến nghị của Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng nhập khẩu cho thị trường trong nước, Bộ Tài chính nói việc giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu là 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ theo đề nghị của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho rằng một số vướng mắc của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là do chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật hiện hành. Giới chuyên gia phân tích, hiện nay, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mua xăng dầu về nhập kho thì giá vốn phải tính trên cơ sở giá xăng dầu thế giới là từ 20 ngày trước đó (theo quy định bắt buộc tại Nghị định 95 về an toàn năng lượng quốc gia), thậm chí là lâu hơn.
Trong khi đó, thời gian nhập lô hàng là rất lâu, phải đàm phán ký hợp đồng mua hàng trước cả tháng, làm các thủ tục theo giá CIF (đàm phán về giá hàng hoá, chi phí về thủ tục hải quan, chi phí thuê tàu, bảo hiểm hàng hóa của nước bạn). Sau đó liên hệ với ngân hàng mở L/C chuyển tiền… Xuất cảng từ nước bạn về Việt Nam cũng có thời gian rất lâu.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước phải tính theo giá bình quân trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp chứ không thể khác được và càng không thể sát với giá thị trường thế giới được vì chu kỳ kinh doanh là khá dài. Nếu tính giá cơ sở theo giá bình quân của DN thì cũng có lợi cho người dân.
Tuần qua và trước thời điểm tăng giá xăng, tại Hà Nội, TP HCM vẫn ghi nhận tình trạng cây xăng treo biển “hết xăng, còn dầu”. Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh chiết khấu xăng dầu vẫn rất thấp, thậm chí 0 đồng và việc nhập hàng từ doanh nghiệp đầu mối vẫn nhỏ giọt.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương – Tài chính, từ 15h chiều ngày 21/10, mỗi lít xăng RON 95-III có mức giá mới là 22.340 đồng; E5 RON 92 là 21.490 đồng. Xăng RON 95-V, loại xăng cao cấp nhất trên thị trường giá là 23.470 đồng một lít.
Còn dầu diesel tăng thêm 600 đồng, lên mức 24.780 đồng một lít; dầu hoả tăng lên 23.660 đồng một lít (tăng 840 đồng). Trong khi đó dầu mazut được nhà điều hành điều chỉnh giảm 200 đồng, về còn 13.890 đồng một kg. Như vậy, giá dầu diesel tiến sát ngưỡng 25.000 đồng một lít và tiếp tục đắt hơn giá xăng.
Giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã qua 28 kỳ điều chỉnh, trong đó 15 lần tăng, 13 lần giảm. So với đầu năm, mỗi lít xăng RON 95-III rẻ hơn khoảng 1.530 đồng nhưng dầu diesel lại đang đắt hơn trên 6.500 đồng.
Theo T.Hằng – P.Vân
Link gốc: http://daidoanket.vn/thuong-xuyen-ra-soat-chi-phi-xang-dau-5700029.html