Sớm nhìn ra những hệ luỵ từ tình trạng dự án sai phạm, chậm tiến độ ở các tỉnh Bắc Trung bộ làm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, lãnh đạo các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đã thể hiện quyết tâm trong việc xử lý sai phạm, thu hồi số dự án này. Thế nhưng, trái ngược với những phát ngôn cứng rắn, vào cuộc quyết liệt thì số dự án thu hồi được rất ít so với thực tế. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không việc “giơ cao đánh khẽ” trong xử lý dự án sai phạm?
Ban cán sự và UBND các tỉnh thống nhất thành lập Tổ công tác, rà soát, đề xuất với Uỷ ban để thu hồi dự án vi phạm quy định về đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng. Kể cả biên bản ghi nhớ, ký ghi nhớ, quá hạn cũng cho dừng; cũng thu.
“Kỳ họp sẽ công bố kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh. Đề nghị đại biểu HĐND tỉnh phân tích đánh giá những kết quả đạt được, vướng mắc, bất cập hạn chế, trong tổ chức thực hiện các quy định, cơ chế chính sách của chính quyền các cấp, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra, xử phạt, đối chiếu quy định làm nghiêm túc và kiên quyết thu hồi đất theo đúng quy định. Quan điểm là dành đất có lợi thế đưa ra đấu giá để thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính, phát triển, tạo công ăn việc làm, phát triển tiềm năng, lợi thế của tỉnh”.
Đó là những phát ngôn của người đứng đầu 3 tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh (Ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá; ông Thái Thanh Quý – Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An; ông Võ Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Tĩnh) về quan điểm xử lý dự án sai phạm, dự án chậm tiến độ trên địa bàn.
Không phải nói suông hay nói rồi để đó, các tỉnh đã thành lập các tổ, đoàn chuyên ngành, liên ngành được phân công nhiệm vụ cụ thể, khẩn trương vào cuộc rà soát dự án đầu tư trên địa bàn; sàng lọc và đánh giá những dự án sai phạm, chậm tiến độ, phân tích nguyên nhân và giải pháp xử lý.
Đã có hàng nghìn lượt thanh, kiểm tra, hàng trăm dự án bị xử phạt và không thiếu những cán bộ, công chức bị kỷ luật do tiếp tay cho những dự án sai phạm. Thế nhưng, không hiểu sao, số dự án bị “khai tử”, thu hồi lại rất ít. Cố gắng lắm 2 năm qua tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ thu hồi được hơn 20 dự án, con số này ở Nghệ An, Hà Tĩnh cũng chưa được như kỳ vọng.
Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Chủ tịch huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho rằng, có những dự án đã đủ cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, cũng có những dự án đang thiếu cơ sở pháp lý, dẫn đến các Sở, ngành cần phải có sự thống nhất thêm và có những văn bản thì đang có những quy định chồng chéo
Việc xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, dự án treo theo Luật Đất đai đã quy định rõ; Luật đầu tư cũng quy định ràng buộc như, ký quỹ hoặc bảo lãnh của DN trong việc thực hiện dự án đầu tư, sau khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây được xem là một trong những ràng buộc hạn chế nhà đầu tư “ôm đất”, chây ì triển khai dự án và cũng là giải pháp buộc lực lượng thực thi pháp luật phải quyết liệt trong thực hiện thu hồi đất. Thế nhưng, theo đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, có sự chồng chéo vướng mắc giữa các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, như vướng mắc về cho thuê đất theo quy định tại Nghị định số 148 của Chính phủ.
“Mặc dù đã được chấp thuận đầu tư, nhưng nếu là đất thương mại và đất dự án nhà ở đều phải thực hiện đấu giá đấu thầu. Chính vì thế mới có khó khăn trở ngại trong việc thực hiện dự án của nhà đầu tư”, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Tĩnh cho hay.
Rõ ràng, việc khó thu hồi các dự án chậm tiến độ, sai phạm, có nguyên nhân từ việc các quy định pháp luật có sự chồng chéo. Luật Đầu tư quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư phải rút phép đầu tư; thế nhưng theo Luật Đất đai 2013, các dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng… Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đối với dự án sai phạm là thu hồi, không có vùng cấm. Tuy nhiên, việc thu hồi phải được thực hiện theo quy định pháp luật.
“Có những dự án chậm tiến độ rất lâu và Ủy ban tỉnh đã thu hồi. Để thu hồi được đất vi phạm, chậm tiến độ phải thường xuyên kiểm tra, có biên bản vi phạm, thực hiện thủ tục gia hạn để DN tiếp tục đầu tư. Đối với những dự án không có khả năng, chây ì, Ủy ban sẽ có biện pháp thu hồi triệt để, không thể có chuyện xí chỗ, chuyển nhượng, ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh”, ông Giang khẳng định.
Giải pháp được chỉ ra là để xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sai phạm, cơ quan chức năng phải sát sao trong theo dõi, kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; đặc biệt là công tác giám sát sau kiểm tra, xử lý, công khai, chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, xử lý.
Ông Hồ Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nghệ An cho biết, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định, tham mưu chủ trương đầu tư các dự án. tăng cường cải cách thủ tục hành chính rút ngắn thời gian thực hiện hành chính, nhất là cán bộ, công chức là phải lấy công việc làm trọng. “Các Sở, ngành và chính quyền địa phương phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, đảm bảo đúng tiến độ đúng quy định. Đặc biệt, tỉnh tăng cường quản lý các dự án sau cấp phép”, ông Dũng cho biết.
Có thể nói, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ như năng lực của nhà đầu tư; quy định của chính sách pháp luật; đặc biệt vai trò, trách nhiệm cơ quan chức năng. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xử lý, thu hồi dự án sai phạm, chậm tiến độ của các địa phương.
Kinh tế, xã hội mỗi địa phương phát triển hay không phụ thuộc không nhỏ vào hiệu quả đầu tư của các dự án; dự án có phát huy hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính sách pháp luật, tinh thần xây dựng, sự công tâm, khách quan của lực lượng thực thi công vụ.
Muốn vậy, các địa phương đặc biệt quan tâm, hỗ trợ phát triển DN nhưng việc xử lý, thu hồi những dự án “ma” cũng cần phải xử lý dứt điểm, bằng những hành động, hiệu quả không phải chỉ là phát ngôn ở nghị trường hay hô hào tại các cuộc họp. Đó là cách “cởi trói” cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển sạch và bền vững./.
Theo Sỹ Đức
Link gốc: https://vov.vn/kinh-te/thu-hoi-du-an-sai-pham-dung-danh-trong-bo-dui-post988349.vov