Thị trường ế ẩm, sàn bất động sản giảm quy mô, môi giới tháo chạy

Lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.

Tình trạng tăng nóng, “sốt đất” cục bộ như những tháng đầu năm không còn xảy ra ở các địa phương. Tuy nhiên, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập tại thời điểm cuối quý II đang ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường đặc biệt là thị trường thứ cấp.

Thị trường kém thanh khoản khiến cho hoạt động của môi giới và các sàn giao dịch bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Phạm Gia Khánh – chủ một sàn giao dịch ở khu phía Tây Hà Nội – cho biết, từ khoảng tháng 4 năm nay, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu chững lại. Thanh khoản tiếp tục giảm sâu từ đầu quý III năm nay đã khiến cho các kế hoạch sàn giao dịch của anh thay đổi.

“Hiện nay, sàn giao dịch của tôi đã phải cắt giảm 2/3 nhân sự vì thị trường không có giao dịch. Một số nhân viên tôi cho nghỉ không lương chờ thị trường ổn hơn sẽ quay lại làm việc. Nhiều người xác định bỏ nghề thì xin nghỉ để chuyển việc khác”, anh Khánh nói.

Nhiều sàn giao dịch bất động sản đã phải đóng cửa do thị trường bước vào giai đoạn trầm lắng (Ảnh: Hà Phong).

Chia sẻ khó khăn công việc môi giới khi thị trường bất động sản trầm lắng, anh Nguyễn Văn Huy – một nhân viên môi giới bán nhà đất ở khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) – cho biết, hiện tại khách tìm hiểu vẫn có nhưng để khách chốt mua thì lại rất khó.

“Thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay, có tháng văn phòng môi giới của tôi chỉ có 10 người nhưng chốt được cả hơn 100 giao dịch đất nền. Nhưng thị trường rơi vào trầm lắng, mấy tháng nay cũng chỉ được 1-2 giao dịch”, anh Huy nói.

Giao dịch không có dẫn tới thu nhập của môi giới cũng gặp nhiều khó khăn, chưa kể phải chịu âm do tiền chạy quảng cáo, chi phí phát sinh. “Hiện tại, một số môi giới đã tìm nghề mới, nhiều người khác lại góp vốn mở quán kinh doanh để cải thiện thu nhập”, anh Huy chia sẻ thêm.

Theo ghi nhận của Dân trí, một số quận, huyện ngoại thành Hà Nội như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Hoài Đức từng nhan nhản văn phòng giao dịch bất động sản nhưng đến nay hầu như đều đã đóng kín cửa. Chỉ tính riêng trong khu đô thị An Khánh (huyện Hoài Đức) từ hàng chục điểm tư vấn nhà đất, giờ chỉ còn một sàn giao dịch hoạt động.

Tương tự, tại khu vực huyện Quốc Oai, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã không còn “sốt đất” như suốt 2 năm qua. Dọc đại lộ Thăng Long, nhiều văn phòng môi giới bất động sản khu vực ngoại thành của Hà Nội thời gian này luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Báo cáo thị trường bất động sản quý III của Bộ Xây dựng vừa được công bố cho thấy, trong giai đoạn đầu năm nay, hoạt động của thị trường bất động sản đã dần trở lại bình thường, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng hơn nhiều so với năm 2021.

Tính đến nay, hầu hết sàn giao dịch đã trở lại hoạt động; đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập. Hiện thị trường có khoảng hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản hoạt động.

Trong quý I, quý II năm nay, thị trường bất động sản có hiện tượng phát triển nhanh về giá và lượng giao dịch ở nhiều phân khúc bất động sản và tại nhiều địa phương trên cả nước kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch bất động sản; thu hút số lượng lớn người tham gia môi giới đặc biệt là môi giới tự do, giao dịch bất động sản.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, trong quý III năm nay, thị trường bất động sản có sự điều chỉnh, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.

Theo Hà Phong

Link gốc: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/thi-truong-e-am-san-bat-dong-san-giam-quy-mo-moi-gioi-thao-chay-20221029093815231.htm

bất đổng sảnmôi giới tháo chạythị trường ế ẩm