Sự giản dị của Hồ Chí Minh là tột cùng của sự sâu sắc và vĩ đại

Dành cả cuộc đời nghiên cứu, tìm hiểu về Bác Hồ, GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, sự giản dị, tinh tế chỉ có được bởi trí tuệ và tâm hồn vĩ đại mênh mông của Bác. Sự giản dị là tột cùng của sự sâu sắc và vĩ đại - đó cũng là bản lĩnh Hồ Chí Minh.

Bác Hồ đến dự Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc 13.8.1962. (ẢnhTư liệu: TTXVN)

“Lời của Bác đã tự nhiên như kinh Phật”

Chia sẻ cơ duyên gắn bó cả cuộc đời nghiên cứu sâu sắc về Bác Hồ, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết, ông vốn là người Hà Nội, lớn lên ở miền trung du, rồi làm thầy giáo dạy Văn. Ngay khi tiếp xúc với cuốn “Nhật ký trong tù”, ông đã vô cùng xúc động về một vị lãnh tụ giản dị, vị Cha già yêu nước, thương dân của dân tộc!

“Nhưng bước ngoặt quan trọng đầu tiên để tôi thấu hiểu về Bác, ấy là lúc 9 giờ sáng ngày 9/9/1969 tôi cùng bao người dân dự Lễ truy điệu Bác tại Quảng trường Ba Đình, nghe 5 lời thề trong Điếu văn do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc âm rung tận đáy lòng tôi, cảm giác ấy khiến tôi thầm hứa: Phải học, phải nghiên cứu để thấu hiểu hơn nữa về Bác Hồ kính yêu của dân tộc”, theo GS.TS Hoàng Chí Bảo.

Với ông, học Bác bao nhiêu cũng không đủ, đó là khả năng kiềm chế khi nóng giận, có phê bình cũng không xúc phạm ai. Cả đời Bác thực hành đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Bác coi đó là 5 đức để làm người. Thiếu một đức không thành người. Đạo đức của Bác là lời nói luôn đi đôi với việc làm.

GS.TS Hoàng Chí Bảo tâm sự, học đạo đức của Bác không phải nói điều cao xa mà thực hành từ đức tính giản dị nhất. Sự giản dị, tinh tế chỉ có được bởi trí tuệ và tâm hồn vĩ đại mênh mông của Bác. Càng tiếp cận, nghiên cứu về Bác, ông càng thấm thía về điều này. Sự giản dị là tột cùng của sự sâu sắc và vĩ đại – đó cũng là bản lĩnh Hồ Chí Minh.

Học Bác, trước tiên là chân thành. Bác nói: “Chân thành, thành thực là cách tốt nhất để đến với nhau”. Lời nói phải tự trái tim của mình thì mới truyền được đến trái tim của người khác. Và chỉ có sự chân thành mới tiếp nhận được cảm xúc của người khác. Chính vì sự chân thành, thành thực Bác mới có thể cởi mở khi tiếp xúc với mọi lớp người. Cách ứng xử này vừa thể hiện đạo đức, lại cho thấy cả phong cách của Bác.

Dù ở cương vị nào, làm việc gì ở Bác cũng toát lên đức khiêm tốn đến vĩ đại. Cả cuộc đời Bác dâng hiến cho dân, cho nước mà đến lúc tặng Huân chương cho Bác, Bác từ chối. Bác nói, Bác chưa xứng đáng để nhận Huân chương. Bác là Chủ tịch nước nhưng gửi thư cho Nhân dân, cho đồng bào, nhất là cụ Phùng Lục ở Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội) mà Bác xưng “cháu”.

“Nguyên thủ Quốc gia, lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, thương dân, yêu dân như vậy, viết thư chúc thọ cụ già 90 tuổi mà Bác có thể khiêm tốn xưng là “cháu” thì chúng ta mới càng có thể hiểu vì sao mà Bác dạy chúng ta phải kính trọng, lễ phép với Nhân dân”, GS.TS Hoàng Chí Bảo xúc động.

Trong tác phẩm “Đời sống mới” năm 1947, Bác đã viết: “Mình hơn người chớ có kiêu căng, người hơn mình chớ có nịnh hót. Thấy của người chớ có tham lam”… Lời của Bác đã tự nhiên như kinh Phật.

Sinh thời, Bác là một người tiết kiệm đến mức khắc khổ để nêu gương. Cuộc sống thường ngày của Bác, từ bữa ăn, quần áo mặc đến đôi dép cao su, bây giờ đã trở thành huyền thoại. Chính vì những phẩm chất cao quý đó mà Bác có bản lĩnh đứng ngoài vòng danh lợi. Cả đời không màng danh lợi, chỉ vì dân, vì nước.

Thậm chí, khi đến đâu Người cũng thường không ăn, ngủ lại ở nhà khách và từ chối mọi cuộc chiêu đãi dù to hay nhỏ, vì theo Người: “Đi công tác thì cốt công việc, nên tránh phiền hà cho địa phương và lãng phí tiền của của Nhân dân”. Do đó, nếu đi trong ngày thì Bác nhắc bộ phận giúp việc chuẩn bị cơm và thức ăn mang theo. Nếu đi từ 2 ngày trở lên thì chuẩn bị gạo, thức ăn và có người đi để nấu. Cơm và thức ăn mang theo cũng rất đơn giản, thậm chí có khi là cơm nắm hoặc xôi với một hoặc hai món mặn hợp với khẩu vị của Bác…

Hết lòng nâng niu giá trị con người

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, khi ông thực hiện cuốn sách “Phương pháp Hồ Chí Minh”, cuốn sách ông tâm đắc nhất là phương pháp ở tầm tư tưởng, lý luận, thể hiện sự nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn trong các lĩnh vực hoạt động của Người. “Phương pháp Hồ Chí Minh không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật.

Ở đó, trí tuệ đi liền với đạo đức, thuyết phục, cảm hóa con người bằng sự chân thành và giản dị, bằng tình cảm đầy lòng nhân ái, vị tha, thấm đượm sâu sắc chất nhân văn của tính người và tình người. Thực tế, khi ứng xử với tất cả mọi người, từ những người nông dân đang lao động trên đồng ruộng cho đến người thương binh, bệnh binh đang nằm trên giường bệnh, từ bạn bè, đồng chí, anh em cho đến các cháu thiếu niên, nhi đồng hay với những người “đối lập” với mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng thể hiện thái độ tự nhiên, chân tình, cởi mở, vừa chủ động, linh hoạt cũng vừa ân cần, gần gũi làm cho bất kỳ ai dù chỉ được gặp Người một lần cũng cảm nhận rõ không khí ấm cúng, tình cảm, chan hòa mà gần gũi. Chẳng hạn, với các đoàn cán bộ miền Nam ra thăm Bác, Bác luôn dặn dò các Bộ, ban, ngành, dù chiến tranh còn ác liệt, nhưng phải làm sao để các cháu gái còn có cơ hội sinh con, được làm đúng thiên chức người vợ, người mẹ…

Đồng thời, GS.TS Hoàng Chí Bảo cũng nhận định, chất nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu trong cuộc đời, lối sống, nhân cách của Người, nổi bật là sự giản dị, đức hy sinh, hy sinh cả cuộc sống riêng tư để lo cho hạnh phúc của toàn dân tộc, của Nhân dân. Nhân văn tức là văn hóa, là hệ giá trị chân – thiện – mỹ, mà con người là giá trị cao nhất. Chất nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh kết tinh trí tuệ, tình cảm, đạo đức, lối sống của Người, từ nhận thức đến hành động, toát lên từ con người, cuộc đời, sự nghiệp của Người, thể hiện trong việc làm và ứng xử của Người qua các mối quan hệ, ở mọi nơi, mọi lúc, giữa mọi người, vô cùng phong phú, đa dạng, biểu cảm.

Một nét đặc sắc của tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là hết lòng nâng niu giá trị con người, tự do và nhân phẩm con người, tin cậy vào những gì tốt đẹp của con người sẽ nảy nở và hoàn thiện thông qua giáo dục và tự giáo dục. Ở đời, con người là con người đời thường, không có ai là thần thánh cả. “Nhân vô thập toàn”, ai cũng có cái hay và cái dở, cái tốt và cái xấu. Phải làm sao cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái xấu, cái dở sẽ mất dần đi. Phải thức tỉnh con người, có khát vọng sống, vươn tới cái tốt đẹp. Phải có sự cảm thông, chia sẻ, động viên, giúp đỡ, có lòng bao dung, độ lượng vĩ đại. Nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người, đó là thái độ nhân văn cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lý giải về tên Bác, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết: Ngay từ tên Bác lấy trong những năm đầu ra đi tìm đường cứu nước – Nguyễn Ái Quốc và những năm cuối đời Bác lấy tên Nguyễn Ái Dân đã là một mạch liền xuyên suốt con đường Cách mạng của Bác. “Ái Quốc – Ái Dân”, “Phục vụ Nhân dân là phục tùng một chân lý cao nhất”, “Cái gì đúng cho dân, tốt cho dân cái đó là chân lý”! “Cho nên với tôi, mà đâu chỉ riêng tôi, muốn học Bác, noi gương Bác thì phải thấu hiểu, thấu cảm. Đó là tri thức, là tình yêu, là tâm hồn cho ta lớn khôn”, GS.TS Hoàng Chí Bảo thấm thía.

Tác giả: Nguyệt Thương 

Nguồn: Baophapluat.vn

bản lĩnh Hồ Chí MinhSự giản dị của Hồ Chí Minhsự sâu sắc và vĩ đại