Theo đó, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh vừa có Văn bản số 2435/STNMT-MT gửi chủ đầu tư, nhà thầu cùng các đơn vị liên quan về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các Dự án thành phần đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 6 – chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh và các nhà thầu thi công liên quan cần thực hiện đầy đủ các công trình biện pháp bảo vệ môi trường đã đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và các trách nhiệm có liên quan tại các quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trên cơ sở bản đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường khai thác các mỏ vật liệu phục vụ dự án đã được tỉnh xác nhận, thực hiện đầy đủ các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và các trách nhiệm đã cam kết trong bản đăng ký.
Thực hiện đổ các vật liệu thải (không phải là chất thải nguy hại và tầng đất mặt trồng lúa nước cần bảo vệ theo quy định) tại các bãi chứa vật liệu thải đảm bảo trong phạm vi ranh giới, cao độ đổ thải, các biện pháp bảo vệ môi trường và các yêu cầu có liên quan đã được chấp thuận.
Đối với Quỹ Đầu tư và phát triển tỉnh, trên cơ sở bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường khai thác của UBND tỉnh, cần thông báo kịp thời, có giải pháp đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường nhằm đảm bảo trách nhiệm cải tạo phục hồi môi trường đối với các mỏ đã đăng ký khai thác trước khi các nhà thầu thi công kết thúc khai thác.
Với các địa phương có tuyến cao tốc đi qua các huyện như: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh… quan tâm chỉ đạo các phòng chuyên môn và cấp xã liên quan trên địa bàn thường xuyên giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, các trách nhiệm có liên quan đối với chủ đầu tư, nhà thầu trong việc khai thác các mỏ vật liệu và thi công xây dựng đã được cấp phép. Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.
Chỉ đạo các nhà thầu thi công xây dựng các khu tái định cư thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, công trình biện pháp về bảo vệ môi trường và các trách nhiệm có liên quan theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Với các nội dung trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đề nghị UBND các huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có tên trên nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn vướng mắc, đề nghị kịp thời có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan chức năng xem xét hướng dẫn thực hiện đảm bảo theo đúng quy định.
Đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động nêu trên. Trường hợp phát hiện vi phạm, đơn vị sẽ xử lý nghiêm hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Các Dự án thành phần Cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh gồm: Dự án thành phần đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt có tổng chiều dài là 49,3 km, đi qua địa phận các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An (44,4 km) và huyện Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh (4,9 km), có tổng mức đầu tư 11.157,82 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào ngày 22/5/2021, dự kiến hoàn thành vào ngày 22/5/2024.
Dự án được thực hiện theo hình thức PPP, do liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp – Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 – Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng VINA2; doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng.
Còn Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua Hà Tĩnh dài 102,38 km, đi qua các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi (35,28km); đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng (54,2km); đoạn Vũng Áng – Bùng (đoạn qua Hà Tĩnh dài 12,9km). Ngoài ra, tuyến kết nối dài 12,18km, gồm 3 tuyến: Đường nối Ngô Quyền – ĐT.550 (5,05km); đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài (3,93km); đường Cẩm Quan – quốc lộ 1 (3,2km); Đồng loạt khởi công vào ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi, do Liên danh nhà thầu Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam và Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) thi công; Đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng do Liên danh DNTN Xây dựng Xuân Trường – Công ty Cổ phần 471 – Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập và Công ty Xây lắp 368 là nhà thầu thi công; đoạn Vũng Áng – Bùng do Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải – Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Công ty Cổ phần 484 – Công ty Cổ phần Xây lắp 368 – Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình thi công.
Theo Phương Nam
Link gốc: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/se-xu-ly-neu-khong-dam-bao-moi-truong-khi-thi-cong-cao-toc-bac-nam-a389986.html