Quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, nhiều tỉnh thành đã có những biện pháp quyết liệt nhằm thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có gần 4 triệu người; gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia Việt Nam đã chỉ rõ, ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ người dân ở các đô thị lớn mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí chiếm tỷ lệ khá cao, trẻ em là nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất.

Hiện nay, tình trạng cùng với việc đô thị hóa, tình trạng môi trường bị ô nhiễm trầm trọng diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Đứng trước thực trạng này, nhiều địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường.

Hà Nội: Quyết tâm giảm ô nhiễm không khí

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, số ngày chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (AQI) ở mức kém và xấu chiếm hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Tháng 4/2024, UBND đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: Internet.

Mục tiêu quan trọng của Kế hoạch là tới năm 2030, Hà Nội sẽ giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển, tăng cường kiểm soát khí thải và khuyến khích sản xuất sạch, bền vững. Hà Nội cũng sẽ thực hiện đồng thời các giải pháp giảm phát thải từ các nguồn thải chính bao gồm giao thông, xây dựng, công nghiệp và các nguồn khác.

Văn Chấn – Yên Bái xử phạt nghiêm với hành vi vứt rác bừa bãi

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn – tỉnh Yên Bái vừa ký văn bản số 549/UBND-TNMT về việc quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt tại một số địa phương trên địa bàn huyện.

Cụ thể, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp xả rác thải sinh hoạt ra môi trường theo quy định tại Khoản 2, Điều 25, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển…

Đà Nẵng: Một phường “thưởng nóng” cho cá nhân, đơn vị phát hiện, ngăn chặn các vụ việc đổ xà bần trái phép

Xà bần đổ lấp dòng chảy ở kênh Đa Cô, Đà Nẵng. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu- Đà Nẵng) chỉ đạo tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường, công an, lực lượng tuần tra kiểm tra định kỳ và đột xuất, ngăn chặn xử lý các phương tiện đổ trộm xà bần. Tổ dân phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, khi phát hiện các đối tượng đổ trộm rác thải, xà bần không đúng quy định cần báo ngay cho UBND phường để xử lý kịp thời.

Phường sẽ thưởng “nóng” cho các cá nhân, đơn vị, các lực lượng phát hiện ngăn chặn kịp thời các vụ việc đổ xà bần trái phép. Mức thưởng dự kiến từ 1-3 triệu đồng.

Trong khi đó, chính quyền phường Hòa Khánh Bắc phối hợp Ban điều hành 28 khu dân cư trên địa bàn giám sát các khu đất trống và những khu vực thường xuyên đổ trộm xà bần, rác thải. Nếu phát hiện các trường hợp đổ trộm sẽ báo về UBND phường kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, UBND phường sẽ khảo sát các vị trí, đề xuất UBND quận sớm lắp đặt các camera tại các khu vực “nóng” thường xuyên có đối tượng đổ trộm để giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm.

Tác giả: Hà My

Nguồn: Kinhtemoitruong.vn

Bảo vệ môi trườngô nhiễm môi trường