Tính đến cuối ngày 10/5, giá vàng miếng SJC đã tăng lên mức cao nhất là 92,4 triệu đồng/lượng, đắt chưa từng có. Bất chấp mọi nỗ lực bình ổn của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng vẫn tăng như vũ bão và đi ngược chiều thế giới.
Nền kinh tế chịu hệ lụy
Phân tích việc giá vàng tăng cao tác động đến nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng vàng không còn là phương tiện thanh toán nên giá vàng biến động cũng tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy.
TS. Bùi Trinh phân tích, giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền saving (tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa) trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
“Lấy tổng thu nhập trừ đi tiêu dùng thì còn lại saving. Saving là nguồn lực để tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau. Vậy mà tiền saving lại đổ vào vàng thì sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển.
Hiện người dân có tâm lý chạy theo giá vàng do giá không ngừng tăng. Họ kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa và thường sốt ruột trước hiệu ứng đám đông nên họ không có hứng thú với việc tích tiền để tái sản xuất nữa mà đi mua vàng”.
Ông cho biết thêm, vàng càng tăng giá người ta càng tin rằng vàng có thể đảm bảo an toàn cho tiền saving của họ. Yếu tố tâm lý này khiến người dân đổ xô đi mua vàng, tiếp tục đẩy lực cầu tăng lên, tạo nên một vòng luẩn quẩn khiến vàng khó giảm giá.
“Dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất đã bị vàng thu hút sẽ làm cho nền kinh tế chậm bước tiến“, ông Trinh e ngại.
Trong khi đó, phân tích về yếu tố vĩ mô, TS. Nguyễn Hồng Minh – Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho rằng, giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản…từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ.
Điều này có thế gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên.
“Giá vàng tăng lên có thể khiến giá cả hàng hóa tăng lên để tương xứng. Từ đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế”, ông nói.
Do đó, theo ông Minh, cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn giá vàng đang tăng điên cuồng hiện nay, để giảm thiểu những tác động đến kinh tế.
Còn PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định, hệ lụy lớn nhất của hiện tượng giá vàng tăng cao và chênh lệch lớn với giá thế giới là tình trạng buôn lậu vàng gia tăng. Vàng buôn lậu được “tuồn” vào cửa hàng vàng nhỏ lẻ, người dân có thể mua phải vàng kém chất lượng.
Điều này gây thất thu thuế, “chảy máu” ngoại tệ. Giá vàng tăng cao cũng tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô.
Thị trường vàng bị buông lỏng?
Giá vàng miếng gần đây tăng điên cuồng bất chấp giá thế giới không có biến động và thậm chí đi xuống. Vì thế, theo giới chuyên gia, đó là sự tăng giá bất thường.
Đã có nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, cơ quan quản lý về việc thanh tra thị trường vàng, xử lý mọi hành vi đầu cơ, đẩy giá nhưng các chuyên gia cho rằng điều này vẫn chưa đủ mạnh để kìm chân giá vàng khi chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh.
Nhiều chuyên gia còn nghi ngại, kịch bản giá vàng miếng SJC tăng vọt bất thường như hiện nay là có chủ ý, nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh vàng nhẫn. Từ trước đến nay giá vàng tăng được lý giải là do thiếu cung nhưng đến khi đấu thầu để tăng cung thì kết quả cho thấy thị trường cũng không cần nguồn cung này. Nhiều phiên đấu thầu đã bị hủy bỏ, trong khi 2 phiên thành công chỉ bán được 6.800 lượng.
“Không thểbuông lỏng quản lý vàng nhẫn, trong khi đó chính là một dạng tiền tệ, vàng nhẫn không phải vàng trang sức”, một chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi: Có phải vì giá vàng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế nên cơ quan quản lý chưa muốn bỏ nhiều dự trữ ngoại tệ để kéo giá vàng xuống thấp hơn, đồng thời cũng chưa mạnh tay “dẹp loạn”?
PGS.TS. Ngô Trí Long cũng nhận xét những bất cập trên thị trường vàng rất chậm được giải quyết, chứng tỏ sự chưa quyết liệt của các cơ quan ban ngành khi can thiệp vào thị trường này.
Nhiều phân tích chỉ ra rằng cơ chế quản lý thị trường vàng trong nước còn bất cập, thể hiện sự lỗi thời của Nghị định 24. Chính phủ, Thủ tướng đã ra nhiều công điện yêu cầu bình ổn thị trường vàng; thực hiện nguyên tắc thị trường để quản lý, giảm bớt chênh lệch của giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Tuy vậy, đến nay, nút thắt này vẫn chưa được tháo bỏ.
“Quan trọng là phải cấp bách thay thế Nghị định 24. Việc cân nhắc sửa Nghị định này đã được đưa ra các hội thảo, hội nghị một vài năm nay rồi mà chưa vẫn chưa sửa được”, ông Long nói.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng giá vàng tăng một cách vô lý ngoài yếu tố tâm lý của người dân chính là do sự độc quyền trên thị trường. “Thế độc quyền này từ lâu đã được cảnh báo nên dẹp bỏ nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng.
Thị trường vàng sẽ ổn định khi có chính sách ổn định, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Từ đó, giảm hiện tượng đầu cơ, găm giữ và đẩy giá tăng phi lý, tạo sự minh bạch, phát triển bền vững. Do đó các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay“, một chuyên gia nêu ý kiến.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 65/NQ-CP ngày 7/5/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.
Trong phần nội dung chỉ đạo về quản lý thị trường vàng đang rất “nóng” hiện nay, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
“Chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng…”, Nghị quyết nêu.
Chính phủ cho rằng, quản lý thị trường vàng hiện còn bất cập, giá vàng trong nước và quốc tế còn chênh lệch ở mức cao.
Tác giả: Công Hiếu
Nguồn: Vtcnews.vn