Trong kết luận vừa ban hành, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã đề nghị truy tố Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á có hành vi phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”, quy định tại Khoản 4, Điều 364 Bộ luật Hình sự, với số tiền đưa hối lộ hơn 106 tỉ đồng.
Trong số 37 bị can còn lại, có 6 người bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”, theo khoản 4, Điều 354 Bộ Luật hình sự có khung hình phạt tới tử hình.
Cụ thể, theo C03, bị can Nguyễn Thanh Long – cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51 tỉ đồng).
Bị can Phạm Duy Tuyến – cựu Giám đốc CDC Hải Dương nhận hối lộ 27 tỉ đồng.
Bị can Trịnh Thanh Hùng – cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Khoa học và Công nghệ nhận hối lộ 350.000 USD (tương đương hơn 8 tỉ đồng).
Bị can Nguyễn Minh Tuấn – nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế nhận hối lộ 300.000 USD (tương đương hơn 6,9 tỉ đồng).
Bị can Nguyễn Huỳnh – cựu Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược Bộ Y tế nhận hối lộ hơn 53,9 tỉ đồng. Trong đó, bị can đã chuyển cho ông Nguyễn Thanh Long hơn 49,9 tỉ đồng và sử dụng cá nhân 4 tỉ đồng.
Bị can Nguyễn Nam Liên – cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế nhận hối lộ 100.000 USD (tương đương hơn 2 tỉ đồng).
Ngoài ra, C03 trong kết luận còn đề nghị Viện KSND Tối cao phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh với ông Phạm Xuân Thăng sang tội “Nhận hối lộ” 150.000 USD và 600 triệu đồng từ Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến.
Tuy nhiên, theo C03, tới thời điểm ra kết luận, ông Long đã nộp lại phần lớn số tiền nhận hối lộ; Các bị can: Phạm Xuân Thăng, Trịnh Thanh Hùng, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên, Nguyễn Văn Trịnh đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền nhận từ Việt.
Trao đổi với Lao Động, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả của các bị can trên là những tình tiết rất có ý nghĩa cho kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, đồng thời để bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Theo luật sư Cường, chính sách xét xử với tội phạm về tham nhũng và chức vụ là nghiêm minh, nghiêm trị nhưng cũng thể hiện sự nhân đạo, nhân văn, đồng thời hướng đến mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng.
Thực tiễn cho thấy những vụ đại án về tham nhũng được đưa ra xét xử, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bản thân có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, làm việc, gia đình có công với cách mạng là những tình tiết quan trọng để tòa án có thể xem xét khi lượng hình.
Theo đó, cơ quan tố tụng sẽ xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, các bị can, bị cáo có thể được giảm dưới khung hình phạt theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể hơn, luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, Khoản 2, Điều 5 về Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ có quy định:
Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Trường hợp người phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất 3/4 tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ.
Như vậy, theo luật sư, ông Long và những người khác trong đại án Việt Á khi bị truy tố, xét xử có cơ hội không phải đối diện với khung phạt cao nhất.
Tác giả:
Nguồn: laodong.vn