Ngày 1/11, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đã công bố nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng ASEAN năm 2023.
Đơn vị này đã khảo sát 3.400 đáp viên ở 5 quốc gia trong khối ASEAN, trong đó có 600 đáp viên tại Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý lạc quan hơn so với người tiêu dùng ở Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. 76% số người được khảo sát ở Việt Nam kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng 6 năm 2024.
Ông Paul Kim – Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân Ngân hàng UOB Việt Nam – cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam đã giúp cho người tiêu dùng cảm thấy lạc quan hơn về sức khỏe tài chính của họ so với người tiêu dùng trong khu vực. Trong khi người tiêu dùng vẫn quan ngại về lạm phát cao, điều đáng khích lệ là họ vẫn không ngừng đón nhận một kỷ nguyên mới của số hóa”.
Tuy lạc quan về tương lai nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn lo ngại về tài chính. Cụ thể, cứ 10 người tiêu dùng Việt Nam thì có đến 8 người lo lắng về vấn đề tài chính. Ba mối quan tâm tài chính hàng đầu ở Việt Nam là khả năng để dành tiền tiết kiệm (32%), khả năng duy trì lối sống hiện tại (32%), khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ (30%). Do đó, người tiêu dùng thận trọng hơn với tài chính và việc đầu tư.
Cũng theo nghiên cứu, lạm phát gia tăng là mối lo ngại hàng đầu ở ASEAN, với 62% số người khảo sát đồng ý rằng đây là mối lo lắng hàng đầu của họ. Trong khi đó, có 57% lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao. So với khu vực, tỷ lệ người được khảo sát ở Việt Nam bày tỏ quan ngại về hai lĩnh vực này cũng cao hơn, lần lượt là 66% và 62%.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang đầu tư nhiều hơn vào các kênh có rủi ro thấp như gửi tiền ngân hàng, mua bảo hiểm…
Ngoài ra, sở thích áp dụng các kênh thanh toán và ngân hàng kỹ thuật số tiếp tục có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Người tiêu dùng ưa chuộng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại và các phương thức thanh toán kỹ thuật số mới như ví điện tử/quét mã QR; nền tảng thanh toán thương mại điện tử và thẻ ghi nợ; hoặc thẻ tín dụng trên ví di động.
Ông II Dong Work – Giám đốc điều hành và đối tác BCG Việt Nam – nhìn nhận, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam thay đổi khá thường xuyên. Ông II Dong Work cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn từ cuối năm 2022, điều này càng rõ nét hơn trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên hiện những khó khăn đã được khắc phục và đang trên đà tăng lên.
“Trong thời gian từ 6 – 12 tháng tới, nền kinh tế trong nước sẽ còn những bất định do ảnh hưởng toàn cầu như vấn đề lạm phát, những căng thẳng chính trị… Tuy nhiên, điều đáng mừng là kinh tế Việt Nam đã qua đáy và chuẩn bị có những bước tiến đến đỉnh chu kỳ. Do đó, tâm lý người tiêu dùng cũng ngày càng trở nên tích cực hơn, lạc quan hơn” – II Dong Work cho biết.