Người vay ‘khóc ròng’ với lãi suất cao và ‘bia kèm lạc’ của ngân hàng

Lãi suất huy động liên tục tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng vọt. Tại nhiều ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng 1 - 2%/năm và cho vay cá nhân tăng tới 2 - 4%/năm so với đầu năm, chủ yếu là cho vay mua nhà, mua xe.
Các chuyên gia khuyến nghị DN phải tối ưu hóa nguồn vốn để đỡ phải đi vay vì lãi suất tăng và room tín dụng của NH hạn chế – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhưng đó chưa phải là mức lãi suất cuối cùng. Do “room” (hạn mức) tín dụng không còn nhiều, nhiều ngân hàng (NH) áp chính sách “bia kèm lạc”, tức muốn được giải ngân phải mua gói bảo hiểm 30 – 50 triệu đồng hoặc cao hơn. Do đó nếu cộng thêm khoản chi phí này, lãi suất thực tế còn cao hơn nữa.

Choáng với “nước lên thuyền lên”

Chị Hoàng Oanh (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết tại thời điểm giải ngân hợp đồng vay kỳ hạn 12 tháng tại một NH, lãi suất chỉ 8,5%/năm. Tuy nhiên, trong kỳ trả lãi mới đây, chị Oanh phải trả số tiền lãi và gốc cao do lãi suất cho vay tăng lên 10%/năm.

Trong khi đó, anh T.V.H. (Nghĩa Tân, Hà Nội) cho biết đã “choáng váng” khi nhận được thông báo lãi suất khoản vay mua nhà tăng lên 14%/năm thay vì 8,5%/năm như hiện nay. “Khoản vay của tôi đã hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi theo thị trường, nhưng tăng mạnh như vậy tôi không biết sẽ phải xoay xở như thế nào”, anh H. than thở.

Đầu năm nay mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ 7 – 8%/năm nhưng nay đã là 9 – 10%/năm. Còn lãi suất cho vay mua nhà, mua xe… được thả nổi ở mức 12,5 – 14,5%/năm. Có NH tăng lên 15%/năm với lý do “nước lên thuyền lên”.

Anh Khánh, nhân viên tín dụng một NH cổ phần lớn, thừa nhận lãi suất cho vay mua nhà, mua xe đang xoay quanh mức 14 – 15%/năm vì lãi suất huy động kỳ hạn dài đã vượt 9%/năm. Nhưng muốn vay cũng không dễ vì room tín dụng còn quá ít, chỉ chi nhánh nào huy động được vốn mới giải ngân thêm.

Ông Mạc Quốc Anh, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Hà Nội, thông tin lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh đã tăng lên 12%/năm, tăng thêm 3 – 4% so với hồi quý 2, nhưng nhiều DN lo lắng đà tăng này vẫn chưa dừng lại. Và nếu lãi suất tiếp tục tăng, DN sẽ không thể cạnh tranh nổi. Lợi nhuận trên đầu sản phẩm sẽ giảm mạnh, từ mức 8 – 15% năm 2019 xuống còn 3 – 5% hiện nay.

“Sau khi trừ tiền lãi vay và các khoản chi phí khác, lợi nhuận không được bao nhiêu, thậm chí còn âm. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế dự báo khó khăn hơn trong năm sau do sức ép lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ vô cùng khó khăn”, ông Anh nói. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, bên cạnh tỉ giá, lãi suất tăng là gánh nặng đối với DN thời gian tới.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng DN buộc phải chấp nhận thực tế là khi lãi suất đầu vào tăng, đương nhiên lãi suất cho vay được đẩy lên theo. “Tăng lãi suất thì DN gay lắm. Lãi suất tăng không phải là mong muốn của cơ quan quản lý nhưng trong bối cảnh sức ép kiểm soát lạm phát, việc giải bài toán tỉ giá không hề đơn giản”, ông Lực nói.

Phải “liệu cơm gắp mắm”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một NH cho biết nhu cầu tín dụng vào cuối năm thường rất cao. Đây là thời điểm bắt đầu năm dương lịch nhưng lại cuối năm âm lịch, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ Tết, trả lương, thưởng, khởi công dự án… rất lớn. Hơn nữa thị trường dự báo lãi suất tiếp tục có xu hướng tăng nên việc đẩy mạnh huy động vốn bằng nâng lãi suất huy động là điều dễ hiểu.

Cũng theo vị này, lãi suất cho vay không thể đứng im, các khoản vay tiêu dùng đã có mức lãi suất mới với 12 – 15%/năm, tùy theo NH. Còn lãi suất phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng sẽ tăng lên và thường thấp hơn tiêu dùng. Thông thường lãi suất cho vay sẽ cao hơn huy động 3 – 5%, như huy động kỳ hạn 6 tháng là 7,5%/năm, lãi suất cho vay sẽ dao động 10,5 – 13%/năm tùy theo mục đích sử dụng vốn.

Ông Đặng Ngọc Cảnh, giám đốc phân tích kinh tế và thị trường tài chính Techcombank, cho hay sức ép tăng lãi suất là không nhỏ. Trong khi đó room tín dụng, năm nay Ngân hàng Nhà nước kiên định 14% nên sẽ không điều chỉnh. Tỉ giá lại biến động mạnh, nên những DN xuất khẩu được lợi nhưng các DN nhập khẩu mà không có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu sẽ phải nhập hàng hóa với chi phí đắt hơn. Tương tự với DN vay nợ ngoại tệ.

Do đó, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng hiện nay là việc quản trị thanh khoản của DN cấp thiết hơn bao giờ hết. Dù vay VND hay USD, DN cũng phải tính toán xem rằng khi lãi suất tăng lên, giả sử 1%/năm thì DN có chịu được hay không. Quy trình từ lúc bỏ tiền ra cho đến khi thu tiền về rất quan trọng. DN phải tìm giải pháp làm sao thu tiền nhanh hơn, kiểm soát dòng tiền, đỡ vay tiền NH.

“Trong thời điểm này, Cash is the king (tiền mặt là vua), DN phải tập trung hóa dòng tiền, để làm sao thấy được dự báo đúng nhất, tối ưu hóa nguồn vốn để đỡ phải đi vay vì lãi suất tăng và room tín dụng của NH hạn chế. Lợi nhuận DN quan trọng nhưng dòng tiền đảm bảo sản xuất quan trọng hơn. DN phải dự báo dòng tiền đúng cũng như phải kiểm soát rủi ro để lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2023”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Khó giảm lãi suất cho vay

Trong báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các NH trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.

Bên cạnh đó, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020. Lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Tỉ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.

Áp lực lên vốn tín dụng NH tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi. Tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF, Ngân hàng Thế giới – WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỉ lệ này của Việt Nam.

Lãi suất huy động lên 9,5%/năm

Những ngày gần đây, lãi suất huy động liên tục thiết lập mặt bằng mới. NH số Cake by VPBank đã đưa ra mức lãi suất huy động lên tới 9,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng và số tiền gửi tối thiểu 300 triệu đồng.

Với kỳ hạn gửi 6 tháng, mức lãi suất cố định lên tới 8,5%/năm. Nếu số tiền gửi lớn, lãi suất cao nhất cho kỳ hạn này lên đến 8,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất lên đến 9 – 9,3%/năm, tùy số tiền gửi.

Trước đó, SCB triển khai chương trình tặng coupon lãi suất 0,5% theo tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 6 tháng đến 11 tháng, đưa lãi suất huy động cao nhất lên đến 8,9%/năm kỳ hạn 11 tháng. Nếu gửi tiết kiệm online, mức lãi suất cao nhất cũng lên đến 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Tại NamABank, chỉ từ ngày 11 đến 15-10, lãi suất huy động đã tăng liên tục 3 lần, đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng với hình thức gửi tại quầy từ 7,5%/năm lên 7,9%/năm, kỳ hạn 36 tháng lên 7,9%/năm, tăng 1,4%/năm qua các lần điều chỉnh tăng.

Nếu gửi tiết kiệm online, kỳ hạn 6 tháng đã được nhận lãi suất 7,9%/năm, gửi từ 12 – 17 tháng lãi suất là 8,2%/năm, từ 18 – 24 tháng lên tới 8,4%/năm. Nhiều NH khác cũng đẩy mức lãi suất lên rất cao, như VietABank với lãi suất cao nhất là 8,7%/năm, Kienlongbank 8,6%/năm, NCB 8,4%/năm…

Theo Ánh Hồng – Lê Thanh

Link gốc: https://tuoitre.vn/nguoi-vay-khoc-rong-voi-lai-suat-cao-va-bia-kem-lac-cua-ngan-hang-20221021074136555.htm

Doanh nghiệplãi suấtlãi suất cho vaylãi suất tăngngân hàng thương mại