Đây được xem như động thái tiếp tục “thay áo mới” cho đô thị loại I TP Vinh với 60 năm tuổi trực thuộc tỉnh Nghệ An trong thời gian tới để địa phương này tạo ra nhiều bước tiến về hạ tầng, sớm chạm mốc mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của cả vùng Bắc Trung Bộ.
Ám ảnh ngập lụt, ô nhiễm
Hồi đầu năm 2023, người dân địa phương không thể quên sự cố về tình trạng nhà máy xử lý nước thải của TP Vinh đặt tại xã Hưng Hoà xả nguồn nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Đến nay, “sự cố” này đã được khắc phục, xử lý nhưng nhưng ám ảnh của người dân ở đây vẫn chẳng thể nguôi ngoai.
Còn nhớ, vào thời điểm nói trên, mùi hối thối, màu nước đục ngầu…phát ra xung quanh nhà máy xử lý nước thải gần 400 tỷ đồng của TP Vinh, Nghệ An hiện đang vận hành khiến người dân hoang mang, lo lắng. Đáng quan tâm, phía đầu nguồn thải đổ vào nhà máy, hệ thống kênh Bắc, TP Vinh đang phải hứng chịu sự ô nhiễm, khổ sở, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của người dân nơi đây suốt thời gian qua.
Được biết, nhà máy xử lý nước thải TP Vinh có tổng kinh phí xây dựng gần 400 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA do Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) tài trợ, được khởi công vào tháng 2/2009.
Đây là công trình với nhiều hạng mục như: Hệ thống mương và giếng tách, hệ thống truyền tải, các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 25.100 m3/ngày đêm. Đến cuối năm 2012, Nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động vận hành để tiến hành xử lý nước thải của thành phố. Hiện, nhà máy này cũng đã được lắp hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát quá trình xử thải.
Xa hơn nữa, vào tháng 10/2019, sau trận mưa lớn, tại khu vực đình Tây chợ Vinh, nước ngập đến nóc ki-ốt, gần như toàn bộ hàng hóa của hàng trăm tiểu thương đều ngập chìm trong nước, gây thiệt hại rất nặng nề. Sau 01 năm, cũng vào tháng tháng 10/2022, do mưa lớn nên khu vực đình Tây chợ Vinh tiếp tục bị ngập nặng. Rất may, các tiểu thương đã có kinh nghiệm từ đợt lụt trước nên đã kê hàng hóa, đồ đạc lên cao, giảm thiểu được phần nào thiệt hại.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân ngập úng còn do quá trình đô thị hóa thành phố làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực. Nhiều hồ, ao bị san lấp để bê tông hóa, nhựa hóa, xây dựng nhà, công xưởng, đường sá. Do vậy, khi mưa xuống, khả năng tiêu thoát chậm, hầu như toàn bộ nước đều tập trung thành dòng chảy, đường hóa thành sông…
Ngoài ra, cũng cần thẳng thắn thừa nhận sự hạn chế về công tác quản lý đô thị. Trong khi hệ thống công trình tiêu nước còn thiếu và yếu, chi phí cho xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước cần có nguồn vốn lớn và còn hạn hẹp thì công tác quản lý lại bộc lộ nhiều bất cập…
WB “tiếp sức” cho TP Vinh nâng tầm đô thị
Với hàng loạt bất cập liên quan đến tốc độ phát triển đô thị, TP Vinh trong vài năm trở lại đây đang gánh chịu nhiều áp lực lớn về mặt hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều khu chung cư, khu đô thị “mọc” lên trong vùng nội đô thị nhiều nhưng quy hoạch hạ tầng, nhất là hạ tầng về nơi dừng, đỗ xe không đảm bảo càng khiến cho nhiều nơi trên địa bàn thành phố Vinh trở nên bí bách, ngột ngạt.
Trước vấn đề này, suốt trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An cũng không ngừng tranh thủ mọi nguồn lực để “tái thiết” lại hạ tầng đô thị TP Vinh với hàng loạt dự án tầm cỡ được triển khai hứa hẹn một diện mão mới. Đơn cử, dự án đang được nhanh chóng thực hiện như mở rộng các giao lộ, chống ùn tắc giao thông đường Lý Thường Kiệt, đường 18m nối QL 46 với đại lộ Vinh, Cửa Lò, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Sỹ Sách kéo dài…
Đặc biệt, với dự án “đại lộ nghìn tỷ” nối Vinh – Cửa Lò dự kiến vào tháng 7/2024, sẽ là đại lộ lớn nhất tỉnh Nghệ An, tạo ra trục giao thông kết nối nhanh khu vực đô thị là TP Vinh và thị xã Cửa Lò, đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng.
Đáng quan tâm, khi WB phê duyệt dự án tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt và cải thiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh, giao thông và không gian công cộng tại TP Vinh với kinh phí 129,6 triệu USD vào ngày 31/7/2023 vừa qua đã mở ra kỳ vọng mới cho đô thị này. Và, với việc bố trí nguồn vốn đối ứng thêm gần 70 triệu USD từ ngân sách địa phương, quy mô của dự án này sẽ lên tới hơn 190 triệu USD để góp phần “vẽ” lại hạ tầng kỹ thuật TP Vinh trong tương lai theo hướng hiện đại, văn minh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Vinh, cho biết việc triển khai dự án phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp và phát triển khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của TP Vinh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Khi dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu TP Vinh hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 250.000 cư dân tại khu vực trung tâm đô thị Vinh. Theo đó, nguy cơ úng ngập cục bộ và ô nhiễm nhiễm môi trường sẽ được cải thiện, tạo không gian phát triển theo hướng mở cho cộng đồng trong tương lai gần.
Trước đó, vào tháng 6/2013, Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh cũng được chính thức khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng vào năm 2019 với tổng mức đầu tư 128 triệu USD, WB tài trợ nguồn vốn vay 98 triệu USD được thực hiện tại 16 phường nội thành và 9 xã ngoại thành, với mục tiêu tăng cường các dịch vụ hạ tầng của TP Vinh, thông qua việc đầu tư hạ tầng cơ bản, cải thiện vệ sinh môi trường và đường giao thông, đầu tư nâng cấp góp phần cải thiện điều kiện môi trường tại các khu vực kênh mương, hồ nước, vệ sinh trường học, nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của TP, giảm ách tắc giao thông.
Cụ thể, dự án này gồm 4 hợp phần với tổng diện tích sử dụng đất cho dự án khoảng 208ha. Cụ thể, Hợp phần 1 là: Đầu tư tích hợp thoát nước, vệ sinh môi trường và kết nối; Hợp phần 2: Mở rộng dung tích chứa để giảm lụt ngập đô thị; Hợp phần 3: Nâng cấp và cải tạo sông Vinh; Hợp phần 4: Phát triển hệ thống và năng lực để cải thiện đô thị thích ứng.
Được biết, đây là loại dự án hạ tầng kỹ thuật thuộc nhóm A; công trình chính thuộc cấp 1; thời hạn sử dụng theo thiết kế là 50 năm đối với công trình xây dựng kết cấu bê tông cốt thép.