Nghệ An tạo “điểm nhấn” để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Gắn xúc tiến du lịch với hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại của các cấp, các ngành ở trong và ngoài tỉnh để giới thiệu hình ảnh và sản phẩm du lịch Nghệ An đến với khách du lịch…

Đây là một trong những giải pháp được ngành du lịch của tỉnh Nghệ An đưa ra để áp dụng vào thực tiễn trong thời gian tới, từng bước cụ thể hoá Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Vắng bóng thương hiệu đặc trưng

Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng để Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, toàn diện và sớm trở thành tỉnh khá của cả nước. Đặc biệt, trong các nhóm nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đặt ra cho Nghệ An với nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm vụ phát triển du lịch được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước.

Để cụ thể hoá những nhóm nhiệm vụ này, thời gian qua, ngành Du lịch Nghệ An thời gian qua đã có bước phát triển tích cực. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng lên, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, trong đó đã định vị một số sản phẩm du lịch có thế mạnh của Nghệ An như: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; du lịch ẩm thực.

Thị trường khách du lịch từng bước được mở rộng, nhất là thị trường khách nội địa. Hoạt động kinh doanh lữ hành có nhiều tiến bộ, thu hút được một số công ty lữ hành lớn trong nước mở chi nhánh tại Nghệ An như: Công ty Cổ phần du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam Vietravel, Tổng Công ty lữ hành Saigontourist. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển.

Du lịch Nghệ An dù đã đạt được những con số tăng trưởng nhưng so với tiềm năng, lợi thế vẫn nằm ở ngưỡng khiêm tốn, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng

Hệ thống giao thông kết nối các điểm đến trong tỉnh đã và đang được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện. Nhiều đường bay được khai thác từ Sân bay Vinh đến Sân bay các tỉnh/thành phố có thị trường nguồn khách lớn. Thu hút được một số nhà đầu tư lớn đầu tư sản phẩm du lịch, dịch vụ có sức hấp dẫn như: Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Vingroup, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn Saigontourist, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Tân Á Đại Thành…

Tuy nhiên, theo đánh giá một cách khách quan, toàn diện, tốc độ phát triển du lịch của Nghệ An vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, đóng góp của du lịch vào GRDP còn ở mức khiêm tốn, mức chi tiêu của khách du lịch chưa cao, trong đó chi cho mua sắm và nhu cầu khác chiếm tỷ trọng thấp. Chất lượng tăng trưởng khách thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng thấp.

Đặc biệt, sản phẩm du lịch tuy đã cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Nghệ An; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm để tăng mức chi tiêu của du khách. Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, dịch vụ độc đáo, cao cấp để thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn. Một số dự án trọng điểm du lịch gần như không triển khai hoặc triển khai rất chậm và cầm chừng.

“Reset” lại ngành du lịch địa phương

Sau 02 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (2020, 2021), năm 2022, du lịch Nghệ An đã đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ với tổng lượt khách du lịch đạt 6.730.000 lượt khách và doanh thu du lịch đạt 5.602.668 triệu đồng. Riêng trong năm 2023 là một năm đầy biến động và khó khăn đối với nền kinh tế song hoạt động du lịch vẫn có nhiều bước tăng trưởng. Theo dự ước năm 2023, tổng lượng khách du lịch đạt 8.360.000 lượt khách, bằng 127 % so với năm 2019, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 7.800.000 triệu đồng, bằng 170 % so với năm 2019.

Tuy nhiên, đây không phải là con số được kỳ vọng, bởi trên thực tế những tiềm năng và lợi thế của Nghệ An chưa thể khai thác hết vì còn nhiều lĩnh vực địa phương chưa thể “reset” thành công.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, thực tế Nghệ An tuy có nguồn tài nguyên du lịch phong phú nhưng hầu hết quy mô nhỏ, thiếu tài nguyên có tính nổi trội để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết, khí hậu của Nghệ An rất khắc nghiệt dẫn đến hoạt động du lịch mang tính mùa vụ cao, hiệu quả kinh doanh thấp nên ít có sức hấp dẫn đầu tư.

Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài công tác làm tốt quy hoạch, thu hút đầu tư, vấn đề đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện kết hạ tầng cũng có vài trò động lực rất quan trọng cho địa phương tăng tốc (ảnh: Xây dựng Cầu Hưng Đức nối Nghệ An – Hà Tĩnh trên cao tốc Bắc Nam qua sông Lam)

Chưa kể, thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vẫn còn nặng tư tưởng bao cấp. Dù đã mở cửa kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nhưng cơ chế vẫn chưa thông thoáng, thủ tục đầu tư còn có nơi phiền hà, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Chưa có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch; chính sách thu hút đầu tư chưa thật sự có sức hấp dẫn, nhất là đối với các nhà đầu tư chiến lược về du lịch. Chất lượng các quy hoạch du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Cũng theo người đứng đầu ngành du lịch tỉnh Nghệ An, để hiện thực hoá mục tiêu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa ngành này đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10 – 12% vào thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đặt ra, nhiều nhóm nhiệm vụ cũng đã được địa phương đặt ra để thực hiện.

Cụ thể, địa phương đã đưa ra các giải pháp gắn với phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển du lịch; Thực hiện công tác quy hoạch du lịch, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với quy hoạch vùng; Gắn với hoạt động liên kết phát triển du lịch và xúc tiến,quảng bá du lịch; Giải pháp gắn với phát triển kinh tế xanh, phát triển các đô thị trung tâm; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, hạ tầng số trong phát triển du lịch.

Đặc biệt, vấn đề liên quan đến nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đến các khu/điểm du lịch, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất ngành du lịch cũng được Nghệ An quan tâm, đốc thúc thực hiện trong thời gian tới.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

du lichkinh tế mũi nhọnNghệ An