Nghệ An: Phấn đấu trở thành Trung tâm Huyết học – Truyền máu của khu vực Bắc Trung bộ

Phấn đấu xây dựng Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An trở thành Bệnh viện Huyết học - Truyền máu; là đơn vị chuyên khoa tuyến tỉnh hạng II hoàn chỉnh. Phát triển khối truyền máu để trở thành Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực, có diện bao phủ cho Hà Tĩnh và dần phục vụ cho Bắc - Quảng Bình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An phát biểu khai mạc Hội thảo

Sáng 24/10, Sở Y tế Nghệ An và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển ngành huyết học – truyền máu Nghệ An giai đoạn 2022 – 2026 tầm nhìn 2030”.

Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh – Bí thư Đảng ủy Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh – Viện trưởng Viện Huyết học Truyền Máu Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, lãnh đạo Trung tâm huyết học truyền máu Nghệ An.

Hướng tới Bệnh viện Huyết học – Truyền máu

Việc tổ chức hội thảo xuất phát từ yêu cầu thực tiễn: Do nhu cầu phát triển của xã hội, mô hình bệnh tật có những thay đổi khó lường. Các bệnh về máu có xu hướng tăng, đặc biệt là nhóm bệnh máu ác tính, nhu cầu về máu và chế phẩm máu cho các bệnh máu di truyền như bệnh thalassemia, hemophilia và cho cấp cứu, điều trị ngày càng tăng cao….

Tại Nghệ An, Trung tâm Huyết học – Truyền máu Nghệ An được thành lập từ năm 2010 trên cơ sở khoa xét nghiệm Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Huyết học – Truyền máu đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà.

Thực hiện xét nghiệm huyết thanh học trên hệ thống Cobas 601- Roche

Hiện nay, Trung tâm Huyết học – Truyền máu Nghệ An có 3 khoa lâm sàng, 3 khoa thuộc khối truyền máu, 1 khoa dược và 4 phòng chức năng với 93 cán bộ. Số lượng người bệnh điều trị nội trú luôn duy trì từ 130 – 180 người mỗi ngày. Số lượng máu toàn phần tiếp nhận trung bình 3.200 – 3.700 đơn vị máu mỗi tháng. Cấp phát nhu cầu máu cho gần 50 cơ sở khám chữa bệnh tỉnh nghệ An và một số bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh với số lượng trung bình 200 – 320 đơn vị/ngày.

Trung tâm đã xây dựng được hệ thống phòng xét nghiệm sàng lọc máu đúng tiêu chuẩn và là 1 trong 5 tỉnh thành phố đạt tiêu chuẩn trong lĩnh vực huyết học với đội ngũ chuyên gia, cán bộ, nhân viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Nhờ đó, nhiều kỹ thuật cao về truyền máu đã được triển khai.

Kế hoạch phát triển từ 2022 – 2026 và những năm tiếp theo sẽ xây dựng Trung tâm Huyết học – Truyền máu Nghệ An trở thành Bệnh viện Huyết học – Truyền máu; là đơn vị chuyên khoa tuyến tỉnh hạng II hoàn chỉnh, Có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại tương xứng yêu cầu nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ; Phát triển khối truyền máu để trở thành Trung tâm máu khu vực, có diện bao phủ cho Hà Tĩnh và dần phục vụ cho Bắc – Quảng Bình;

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh – Viện trưởng Viện Huyết học Truyền Máu Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Phấn đấu đến năm 2025 – 2026 triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân; Áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại để điều trị các bệnh như Ulympho, Leuemie cấp, Leucemie kinh, xuất huyết giảm tiểu cầu, suy tủy xương… và các bệnh về máu khác, cơ quan tạo máu.

Đảm bảo được tính thống nhất, tính hỗ trợ, tính chuyên khoa giữa cơ sở điều trị của Trung tâm Huyết học – Truyền máu với các chuyên khoa Huyết học lâm sàng của các bệnh viện trong khu vực về quản lý và điều trị bệnh nhân. Quản lý bệnh Thalassemia , Hemophilia tại cộng đồng,..

Tại hội thảo, các chuyên gia từ Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã có những phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, góp ý nhằm phát triển ngành Huyết học – Truyền máu tỉnh nhà… Kết luận hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An ghi nhận và bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc những góp ý của các chuyên gia; mong muốn Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tiếp tục có những sự giúp đỡ, hỗ trợ để ngành Huyết học – Truyền máu ngày càng phát triển.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An yêu cầu: Trung tâm Huyết học – Truyền máu Nghệ An phối hợp cùng các phòng của Sở Y tế Nghệ An xây dựng đề án phát triển đơn vị mới phù hợp với yêu cầu phát triển để trình UBND tỉnh Nghệ An trong năm 2023. Trong đó tập trung làm rõ mục tiêu tổng thể là trở thành trung tâm vùng.

Trung tâm huyết học truyền máu Nghệ An được chứng nhận đạt tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015/ ISO 9001: 2015.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung tâm Huyết học Truyền máu Nghệ An cần phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, hỗ trợ tốt các tuyến cơ sở trong lĩnh vực truyền máu. Trong lĩnh vực cận lâm sàng cần làm tốt công tác xã hội hoá, phát triển mạnh hơn mảng xét nghiệm. Trong lĩnh vực lâm sàng, tập trung rà soát danh mục kỹ thuật, phát triển kỹ thuật chuyên sâu, tập trung điều trị tốt các bệnh máu lành tính….

Ngoài ra trung tâm cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực; tăng cường việc áp dụng công nghệ thông tin để quản lý tốt bệnh nhân, người hiến máu; đẩy mạnh quản lý kinh tế y tế.

Triển khai phòng chống bệnh thalassemia tại 11 huyện miền núi

Chiều 24/10, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương phối hợp cùng Sở Y tế Nghệ An tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) năm 2022.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khai mạc hội nghị

Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền, rất nguy hiểm. Người bệnh phải chung sống cả đời cùng bệnh. Ước tính, chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Một người bệnh mức độ nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì đời sống.

Thalassemia là bệnh di truyền có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Ở nước ta có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời.

Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Người bị bệnh và mang gen có ở tất cả các tỉnh/thành phố, các dân tộc trên toàn quốc…Việc phòng bệnh thalassemia là phòng không sinh ra trẻ bị bệnh.

½ cuộc đời của bệnh nhân tan máu bẩm sinh gắn liền với giường bệnh, với những đợt truyền máu, tiêm chuyền, xét nghiệm… với những liều thuốc thải sắt

Để phòng, chống bệnh thalassemia, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển Kinh tế – Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Trong đó, hoạt động phòng chống bệnh thalassemia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc dự án 7 Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Dự án 7 do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương thực hiện… Nghệ An là 1 trong 5 địa phương dịch tễ (cùng với Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hoá) thuộc phạm vi dự án triển khai.

Hoạt động phòng chống bệnh thalassemia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặt ra mục tiêu chung là: Giảm số ca phù thai do bệnh thalassemia, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh thalassemia, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế cho bệnh nhân thalassemia người dân tộc thiểu số, từng bước kéo dài tuổi thọ cho những bệnh nhân hiện tại.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đình Khuê, Giám đốc Trung tâm HH-TM Nghệ An báo cáo kết quả hoạt động của trung tâm

Mục tiêu cụ thể là: 25% nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các xã có triển khai can thiệp; 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh tại các xã có triển khai can thiệp; 100% khoa sản tại các bệnh viện tuyến tỉnh tại 5 tỉnh dịch tễ có truyền thông, tư vấn về bệnh thalassemia; có ít nhất 10% cán bộ y tế, nhà hoạt định chính sách, nhà quản lý, người có ảnh hưởng đến cộng đồng được nâng cao nhận thức về bệnh thalassemia.

Hoạt động phòng chống bệnh thalassemia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được giao cho Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đảm trách. Tại Nghệ An, UBND tỉnh, Sở Y tế giao cho Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh làm đầu mối và chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương cùng triển khai triển khai hoạt động này.

Ký kết triển khai hoạt động phòng chống bệnh thalassemia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Triển khai dự án phòng, chống bệnh thalassemia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian tới, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bệnh thalassemia để nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng trong việc thực hành sàng lọc bệnh; triển khai thực hiện tư vấn thalassemia tại các khoa sản của bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong việc sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và tư vấn phòng bệnh thalassemia; đào tạo tập huấn về bệnh thalassemia; xây dựng mô hình tầm soát bệnh thalassemia tại huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ và Quỳnh Lưu.

Theo Từ Thành/Sức khoẻ & Đời sống

Link gốc: https://suckhoedoisong.vn/nghe-an-phan-dau-tro-thanh-trung-tam-huyet-hoc-truyen-mau-cua-khu-vuc-bac-trung-bo-169221025085557864.htm

Bắc Trung bộHuyết họckhu vựcNghệ Antrung tâmTruyền máu