Nghệ An: Người dân khốn khổ vì trại lợn không phép ở thượng nguồn

Thời gian qua, người dân sinh sống gần đập Thung Bầu, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) khốn khổ bởi mùi hôi thối bốc lên, nguồn nước đập bị đổi màu đen, nhiễm bẩn do trang trại lợn Lợi Loan xả thải từ thượng nguồn ra con đập.

Theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, trang trại lợn Lợi Loan nằm ở thượng nguồn con đập Thung Bầu thuộc xóm Tân Mỹ, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Theo quan sát, hệ thống chuồng có 5 dãy nhà dài, rộng hàng nghìn mét vuông với quy mô nuôi khoảng hàng nghìn con lợn.

Hình ảnh Phóng viên ghi lại được trại lợn Lợi Loan xả thải dòng nước đen ngòm ra đập Thung Bầu vào ngày 11/8 và ngày 14/8. Ảnh: Nguyễn Công.

Khu xử lý nước thải có nhiều ô được ngăn bởi bờ đất sơ sài, không đảm bảo các tiêu chí về môi trường, trong đó chỉ có một ô được phủ bạt bioga, các ô còn lại có màu đen kịt, bốc lên mùi hôi thối. Ở cuối hệ thống nước thải có hai rãnh nước màu đen ngòm chảy thẳng xuống đập Thung Bầu, làm cho màu nước từ trong xanh ngã sang màu đen. Ngoài ra, phân lợn còn được đóng vào bao tải chất đống để phía trên bờ đập, nếu mưa xuống tất cả nước phân đó sẽ trôi vào lòng đập Thung Bầu.

Được biết, trại lợn Lợi Loan hoạt động không phép từ nhiều năm nay, người dân xóm Tân Mỹ đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng vẫn không bị kiểm tra, xử lý.

Hệ thống xử lý nước thải của trại lợn được ngăn bằng bờ đất sơ sài, không đảm bảo quy chuẩn xử lý nước thải. Ảnh: Nguyễn Công.

Ông Phạm Văn H., người dân xóm Tân Mỹ sinh sống gần đập Thung Bầu, cách trang trại chăn nuôi lợn Lợi Loan không xa cho biết: “Trại lợn hoạt động được khoảng 10 năm rồi, đây là chủ thứ 2, người dân sống quanh đây thường xuyên phải chịu cảnh hôi thối bốc lên từ trại lợn. Con đập Thung Bầu là nguồn nước phục vụ cho sản xuất của xóm Tân Mỹ và vùng lân cận, lâu nay nước đập bị ô nhiễm chuyển sang màu đen nên chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của gia đình cũng như các hộ dân sống quanh đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Bà Nguyễn Thị B., một người dân xóm Tân Mỹ bức xúc: “Lâu nay trại lợn gây ô nhiễm, mùi hôi thối, nguồn nước đập có màu đen làm cho gà, vịt của dân ở dưới chân đập uống cũng bị chết, có đợt cá chết nổi nhiều. Dân đang kiện lâu nay mà chưa xử lý được. Đến mức người dân xóm Tân Mỹ bức xúc đồng tình góp tiền để trả lại cho chủ trại lợn Lợi Loan vì còn mấy năm nữa mới hết hợp đồng nhưng không được.

Video trại lợn Lợi Loan xả thải ra môi trường và toàn cảnh hệ thống chuồng trại. Video: Nguyễn Công.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Phạm Công Hùng – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết: “Trại lợn là của ông Thái Văn Lợi mua lại của một người khác thầu trước đây trên diện tích đất hơn 2ha đất nông nghiệp do xã quản lý. Khi đó xã cho thầu sai mục đích, lấy tiền 1 lần với thời hạn 20 năm, 2029 mới hết hợp đồng. Trại lợn có 3 dãy chuồng, nuôi gần 100 con lợn nái còn lợn thịt không rõ lắm vì không vào được bên trong. Mặc dù nước thải đã qua bioga và các bể lọc nhưng nước chảy ra đập Thung Bầu vẫn có màu đen. Hiện, trại lợn vẫn chưa có giấy phép chăn nuôi của cấp có thẩm quyền”.

Do bị trại lợn Lợi Loan xả thải thường xuyên từ thượng nguồn nên nước đập Thung Bầu chuyển sang màu xanh đen và bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Công.

Được biết, ngày 02/7/2018 UBND xã Mỹ Thành có Quyết định số 83 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Thái Văn Lợi (có đị chỉ thường tại khối 1, thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) là chủ trang trại lợn Lợi Loan vì đã có hành vi vi phạm hành chính về luật đất đai.

Theo quyết định, ông Lợi đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp. Diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta. Quy định tại điểm a khoản 2 điều 8 của Nghị định số 102/2014/NĐ- CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Số tiền bị xử phạt là 1.500.000 đồng, buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Phân lợn được đóng vào bao tải chất đống tại thượng nguồn đập Thung Bầu. Ảnh: Nguyễn Công.

Tuy nhiên, nay đến phần diện tích trên vẫn được ông Lợi sử dụng cho chuồng trại nuôi lợn, chứ không khôi phục lại tình trang ban đầu theo như quyết định xử phạt trước đó. Hiện nay, người dân xóm Tân Mỹ rất lo cho sức khỏe không chỉ vì mùi hôi thối, nguồn nước mặt bị ô nhiễm, mà còn lo lắng nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước ngầm từ các loại giếng người dân đang sử dụng lấy nước để sinh hoạt.

Ông Đào Quốc Chiến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Envico, đơn vị hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tư vấn môi trường chia sẻ: “Các trang trại chăn nuôi không được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp giấy phép môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Bởi họ không có hệ thống xử lý nước thải được cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Bên cạnh đó, chế độ quan trắc chất lượng môi trường nước định kỳ cũng không được chủ trang trại thực hiện, do không có báo cáo ĐTM hướng dẫn thực hiện”.

Mức phạt hành chính hành vì xả thải trái phép ra môi trường

Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý như sau:

* Hình thức xử phạt chính:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

* Hình thức xử phạt bổ sung:

– Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp. 

– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 

– Mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm đình chỉ cho – khi hết thời hạn xử lý, các hoạt động khác không liên quan – quá trình xả thải vẫn được phép tiếp tục.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: 

– Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra;

– Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, việc tước giấy phép xử lý chất thải chỉ tạm dừng các công việc có liên quan tới những hoạt động xả chất thải của doanh nghiệp. Những hoạt động khác sẽ được phép hoạt động bình thường.

Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Theo Nguyễn Công

Link gốc: https://kinhtemoitruong.vn/nghe-an-nguoi-dan-khon-kho-vi-trai-lon-khong-phep-o-thuong-nguon-79744.html

đập Thung Bầuhuyện Yên ThànhNghệ Antrại lợn không phépxả thải ra môi trường