Cố tình không chấp hành, buộc phải cưỡng chế
Ngày 24.12, ông Phạm Hoàng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên – cho biết, theo đôn đốc của UBND tỉnh thì hiện nay, huyện Cẩm Xuyên đang lên kế hoạch bảo vệ thi công do vướng mắc liên quan đến một hộ dân ở xã Cẩm Lạc.
Còn lại, có 15 hộ dân khác cũng ở xã Cẩm Lạc, huyện đang xây dựng kế hoạch để tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng để phải hoàn thành trước ngày 25.1.2024.
“15 hộ ở thôn Lạc Thọ và thôn Hà Văn của xã Cẩm Lạc đã vận động quá nhiều lần rồi mà không được nên buộc phải cưỡng chế. Trong đó, một số hộ đất có nguồn gốc sau năm 1980 nhưng cứ đòi là đất trước năm 1980. Một số hộ khác cứ nói bồi thường thấp không nhận, rồi còn có một số hộ xây dựng cơi nới sau thời gian quy định nhưng vẫn cứ đòi bồi thường cả phần xây trái phép mà không theo áp giá của hội đồng bồi thường” – ông Anh nói.
Về kết quả di dời lưới điện 220kV chậm lựa chọn nhà thầu, ông Anh cho biết, trong 2 ngày tới đây, sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu, sau đó sẽ tiến hành thi công di dời đường điện để bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc.
Về tiến độ xây dựng các khu tái định cư cao tốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên – thông tin, hiện ở Cẩm Xuyên chỉ còn 2 khu đang tiến hành thảm đường, còn lại các khu khác cơ bản đã hoàn thành hơn 90%.
Trại lợn có nhiều thiết bị không có trong bộ đơn giá bồi thường
Ông Nguyễn Văn Sáu – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà – cho hay, UBND tỉnh cũng vừa đôn đốc, giao huyện phải hoàn thành bàn giao mặt bằng của 35 hộ dân thôn Vĩnh Cát (xã Lưu Vĩnh Sơn) trước ngày 31.12 tới đây.
Tuy nhiên, đó là những hộ đã nhận tiền bồi thường, đang tiến hành xây nhà tại khu tái định cư nên huyện đang xin chậm chút để cho họ hoàn thiện nhà đã, khi nào về ở nhà mới thì sẽ bàn giao mặt bằng tại nơi ở cũ.
Đối với 3 hộ dân ở thôn Mỹ Châu, xã Thạch Ngọc trước đây không hợp tác, đưa ra nhiều yêu sách không có trong quy định, không chịu kiểm đếm nhưng nay đã đồng ý kiểm đếm để thực hiện áp giá bồi thường.
“Vướng mắc lớn nhất của huyện chúng tôi hiện nay là bồi thường cho một trại lợn quy mô 700 con lợn nái ở xã Việt Tiến. Nhiều hạng mục là thiết bị nhập khẩu và thiết bị tự chế của trang trại không có trong bộ đơn giá của tỉnh nên huyện phải làm bộ đơn giá. Hiện nay đang thuê đơn vị tư vấn để làm sau đó trình tỉnh. Nhà đầu tư và đơn vị thi công cũng đã thống nhất yêu cầu giải phóng trại lợn này xong, bàn giao mặt bằng trước 30 tháng 5 năm 2024” – ông Sau chia sẻ.
Trước đó, ngày 19.12, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân nguồn vốn giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện đối với các hộ phải tái định cư, toàn tỉnh có 13 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường, 40 hộ chưa nhận tiền bồi thường, 82 hộ đã nhận tiền nhưng chưa di dời.
Các hộ bị ảnh hưởng một phần tài sản (không phải tái định cư) có 10 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường, 35 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng.
Các khu tái định cư (TĐC) chưa hoàn thành: Cẩm Xuyên còn 6 khu TĐC, Thạch Hà còn 4 khu TĐC, Can Lộc còn 3 khu TĐC.
Về di dời lưới điện, với lưới điện 500kV (huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh chưa hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công).
Lưới điện 220kV (các huyện Thạch Hà, Đức Thọ mới hoàn thành lựa chọn nhà thầu; huyện Cẩm Xuyên chưa lựa chọn nhà thầu). Lưới điện 110kV (huyện Thạch Hà đạt 42%, huyện Cẩm Xuyên đạt 27%).
Lưới điện 35kV trở xuống (Đức Thọ đạt khoảng 70%; Can Lộc đạt khoảng 90%; Thạch Hà đạt khoảng 78%; huyện Kỳ Anh đạt khoảng 70%; thị xã Kỳ Anh đạt khoảng 40%; Cẩm Xuyên đạt 29%, TP Hà Tĩnh chưa lựa chọn nhà thầu).
Toàn tỉnh Hà Tĩnh đến nay giải ngân bồi thường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 đạt 2.268,95 tỉ/2.791,54 tỉ đồng (đạt 81,28%); một số huyện tỷ lệ giải ngân thấp so với mức bình quân: Kỳ Anh (61%), thị xã Kỳ Anh (76,8%), Cẩm Xuyên (77,85%).