Khốn khổ vì không vay tiền vẫn bị… đòi nợ
Liên quan đến ổ nhóm gần 300 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng xuyên quốc gia vừa bị Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ triệt phá, bước đầu, cơ quan chức năng đã làm rõ được thủ đoạn cho vay cũng như cách thức khủng bố “con nợ” mỗi khi họ chậm hoặc không có khả năng chi trả.
Điều đáng nói, không chỉ những người vay tiền mà nhiều người không liên quan nhưng vẫn trở thành nạn nhân của ổ nhóm này khi bị réo điện thoại cả ngày lẫn đêm hay bị cắt ghép hình ảnh nhạy cảm đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ.
Anh Nam (tên được thay đổi, 31 tuổi, trú tại Hà Nội) khẳng định không hề vay mượn tiền qua các app (ứng dụng) nhưng vẫn bị các đối tượng dùng số điện thoại rác gọi điện đòi nợ. Khi chặn số điện thoại này thì các đối tượng lại lấy số khác nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới.
Không chỉ bị gọi điện, nhắn tin, có không ít người bị các đối tượng khủng bố qua Zalo, Facebook… Thậm chí, cắt ghép ảnh nhạy cảm đăng lên mạng và gửi cho bạn bè, người thân, công ty làm việc nhằm bôi nhọ để gây sức ép.
Trong đó, chị Hương (tên được thay đổi) tá hỏa khi phát hiện hình ảnh của mình cùng thông tin cá nhân tràn lan trên mạng xã hội mặc dù không vay nợ ai. Sau khi tìm hiểu, nguồn cơn sự việc là do một người bạn của chị Hương vay qua app nhưng không trả được…
Được biết, đây là hình thức tín dụng đen không phải mới xuất hiện và được tuyên truyền rất nhiều nhưng vẫn có người vay tiền. Có trường hợp, khi “con nợ” không trả được tiền, các đối tượng lại giới thiệu qua các app khác để tiếp tục cho vay khiến “nợ chồng nợ”. Đến lúc số tiền quá lớn không đủ khả năng chi trả và bị các đối tượng đòi nợ thuê đe dọa, nạn nhân phải cầu cứu cơ quan công an.
Núp bóng công ty cho vay tài Chính
Theo Phòng CSHS Hà Nội, ổ nhóm “tín dụng đen” này hoạt động từ năm 2019, núp bóng công ty cho vay tài chính cầm đồ do Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, trú tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) và một người tên Zhang Min (SN 1986, quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu.
Từ lời khai của các đối tượng, sau khi khách hàng tải app “cashvn, vaynhanhpro, ovay” do chính nhóm này phát triển và đăng nhập các thông tin như tên tuổi, số điện thoại, ảnh chụp CMND, CCCD, đồng thời cho ứng dụng truy cập vào danh bạ điện thoại (để nắm được thông tin người thân, bạn bè…) thì chỉ mất 5-10 phút là hồ sơ được thẩm duyệt.
Nếu thành công, khách hàng được vay từ 2-30 triệu đồng chuyển thẳng vào tài khoản mà không cần gặp mặt hay ký giấy tờ gì. Tuy nhiên, số tiền này đã bị trừ lãi và khách hàng phải thanh toán tiền gốc trong 3-5 ngày.
Trong trường hợp khách hàng không trả tiền, lãi sẽ được cộng dồn theo ngày lên gần 2.200%/năm. Cùng với đó, công ty này sẽ phân cấp kiểu “bậc thang” đòi nợ cho từng đối tượng trong ổ nhóm, nếu thu được tiền của khách sẽ nhận được thưởng.
Làm việc với cơ quan công an, Trần Hữu Hảo (SN 1987, trú tại Hà Nội) khai nhận được công ty giao nhắn tin, gọi điện thúc giục khách hàng trả nợ khi quá hạn từ 1-3 ngày. Cấp tiếp theo, sẽ đòi nợ khách hàng quá hạn từ 4-9 ngày bằng hình thức đe dọa, gọi điện, nhắn tin hoặc cắt ghép hình ảnh gửi cho người thân, bạn bè hoặc đăng lên mạng xã hội để gây sức ép.
Ở cấp cuối cùng, các đối tượng có nhiệm vụ truy thu tiền của những khách hàng có ý định “bùng” hoặc không thể trả được nợ…
Theo chỉ huy Phòng CSHS Hà Nội, ổ nhóm này núp bóng công ty cho vay tài chính cầm đồ hoạt động ở nhiều tỉnh thành để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đồng thời có sự tổ chức rất chặt chẽ trong việc phân công nhiệm vụ của từng đối tượng từ khâu thẩm định hồ sơ đến đòi nợ.
Bước đầu làm rõ được tổng số tiền ổ nhóm này đến khi bị bắt giữ đã cho vay số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó mỗi tháng khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 1 triệu tài khoản vay qua 3 app trên.
Theo Thanh Hà/Báo Tiền phong
Link gốc: https://tienphong.vn/lat-tay-thu-doan-cua-bang-tin-dung-den-cho-vay-lai-2-200-nam-post1441357.tpo