Theo Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam – Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) – gần đây, hiện tượng lừa đảo qua mạng internet gia tăng mạnh khiến nhiều nạn nhân tìm kiếm các hình thức trợ giúp, tư vấn pháp lý.
Lợi dụng điều này, một số đối tượng lừa đảo lập các Facebook, website giả danh các văn phòng luật, cơ quan chức năng của Bộ Công an để tiếp cận các nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt thông tin cá nhân của nạn nhân, biến các nạn nhân tiếp tục trở thành đối tượng bị lừa đảo.
Mục đích của những kẻ lừa đảo này đa dạng, từ việc trục lợi tài chính, đánh cắp thông tin cá nhân cho đến việc triển khai mã độc và các chương trình gián điệp vào hệ thống của nạn nhân. Việc giả danh này không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn làm tổn hại đến uy tín và niềm tin vào các tổ chức pháp lý và an ninh mạng.
Trung tâm Xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam nhận được nhiều phản ánh của các công ty luật như: Công ty Luật TNHH Mai Sơn, Công ty Luật Bảo Ngọc, Văn phòng Luật sư Lê Nguyên Giáp, Công ty Luật Trí Minh,… Trong đó, các công ty luật này đều phản ánh về hiện tượng sao chép, lấy thông tin cá nhân, hình ảnh từ các tài khoản, trang, kênh mạng xã hội để thực hiện lừa đảo.
Trung tâm Xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam đang thực hiện các biện pháp để xử lý các tài khoản giả mạo.
Trung tâm Xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, tỉnh táo và kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin từ nguồn trên internet. Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài chính qua email hoặc liên kết đáng ngờ, không thực hiện bất kỳ giao dịch đặt cọc đối với các hợp đồng tư vấn luật.
Đối với các nạn nhân bị lừa đảo tài chính cần gọi điện đến ngân hàng, thực hiện trình báo ngay đến cơ quan công an gần nhất.