Cụ thể, từ 15h ngày 5/9, giá xăng E5 RON92 giảm 366 đồng/lít, xuống 23.359 đồng/lít; xăng RON95 giảm 439 đồng/lít còn 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu tiếp tục đồng loạt tăng từ 1.389 – 1.429 đồng/lít, bán ra ở mức 25.188 – 25.445 đồng/lít (riêng diesel có giá 25.188 đồng/lít). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dầu diesel đắt giá xăng
Trả lời VTC News, ông V.V.H, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội, cho biết, từ khi mở cửa hàng đã chục năm nay nhưng chưa khi nào thấy có hiện tượng tương tự. Không những thế, chiết khấu với xăng hiện đã giảm về 0 đồng, trong khi dầu giảm xuống 3.000 đồng/lít, khiến hoạt động kinh doanh xăng dầu ngày càng gặp nhiều khó khăn.
“Kể từ khi thành lập doanh nghiệp, tôi chưa bao giờ thấy hiện tượng giá xăng bán ra thấp hơn giá dầu. Không biết sắp tới giá diễn biến ra sao nhưng hiện tại chúng tôi đang rất khó khăn, càng bán càng lỗ”, ông H. nói.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), đánh giá việc giá dầu cao hơn xăng là hiện tượng hết sức “dị biệt” của giá xăng dầu. Theo ông Bảo, giá dầu chịu tác động bởi sự mất cân đối do Nga không xuất khẩu dầu diesel ra thị trường. Giá gas do điều tiết của Tây Âu cũng tác động lên giá dầu diesel. Vì vậy, đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận khoảng chênh lệch giữa giá dầu diesel và giá xăng trên thế giới ở mức rất cao, bắt đầu từ tháng 6 mức chênh là 10 USD/thùng, đến nay lên khoảng 30 USD/thùng. Do đó, giá thế giới tác động lên giá dầu ở Việt Nam.
Ngoài ra, thông thường các nước cũng như ở Việt Nam, thuế xăng luôn cao hơn thuế dầu. Thời gian qua, chúng ta cũng giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, do đó đây cũng là một yếu tố tạo điều kiện cho giá dầu diesel cao hơn giá xăng ở thời điểm này.
Việc giá dầu diesel đắt hơn cả giá xăng làm dấy lên nhiều băn khoăn và lo ngại. Theo một chuyên gia xăng dầu, mục tiêu hiện nay của Chính phủ là phục hồi sản xuất sau dịch bệnh COVID-19, kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, dầu diesel có lượng tiêu thụ chiếm khoảng 60-65% trong tổng lượng tiêu thụ xăng dầu, phục vụ cho sản xuất và dịch vụ. Các máy móc phục vụ sản xuất hầu hết đều dùng nhiên liệu dầu diesel.
Việc giá dầu neo ở mức cao sẽ làm tăng giá đầu vào cho sản xuất, tăng giá hàng hóa, gây áp lực lạm phát và ảnh hưởng đến sự phục hồi phát triển kinh tế. Bởi, từ mọi lĩnh vực, từ trồng trọt, thực phẩm đến những ngành công nghiệp nặng đều phụ thuộc vào dầu diesel. Trong khi đó, theo chuyên gia, các ngành công nghiệp lại không có nhiều lựa chọn thay thế dầu diesel.
Do đó, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng cơ quan quản lý đúng ra cần điều hành uyển chuyển hơn.
Cò theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, chủ thương hiệu xe Sao Việt, về cơ bản giá xăng hay dầu tăng đều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong cơ cấu phương tiện vận tải hiện nay của Sao Việt, tỷ lệ xe chạy dầu chiếm số lượng lớn, chỉ có một số it taxi chạy xăng.
“Việc giá dầu tăng cao chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận hành của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn nằm trong kế hoạch xây dựng cước của nhà xe nên trước mắt sẽ không có điều chỉnh về giá cước vận chuyển”, ông Bằng nói.
Theo Hòa Bình
Link gốc: https://vtc.vn/lan-dau-tien-trong-lich-su-gia-dau-dat-hon-xang-co-bat-thuong-ar698856.html