Khai thông nền kinh tế để tăng trưởng bền vững

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VKTVN), tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam trong quý I/2024 khá cao, song cần nhận thức thực chất vấn đề, đồng thời khai thông nền kinh tế để tăng trưởng bền vững.

Cần phải nhận thức thực chất quan hệ “tăng trưởng GDP” và ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Vượt qua “cơn gió ngược”

Nhận định tình hình kinh tế thế giới năm 2023 – 2034 tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định” do VKTVN tổ chức mới đây, các chuyên gia đã gọi đó là những “cơn gió ngược”. Đó là xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm… Điều này đã gây những tác động bất lợi, khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Tình hình sản xuất kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng suy giảm hàng loạt, nhiều DN ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm.

Trước bối cảnh có nhiều thách thức lớn này, tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (3,1%) và cao mức bình quân trong khu vực ASEAN-5 (4,2%). Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá biến động nhỏ, thu – chi ngân sách ổn định, đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong Quý I/2024 là 5,66%, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 – 2023 và cao hơn mức kịch bản cao nhất của quý I là 5,6%.

Phân tích nguyên nhân Việt Nam ít ảnh hưởng bởi “cơn gió ngược” lạm phát, theo TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng VKTVN, nguyên nhân từ bên ngoài, đó là tuy giá dầu tăng song tác động không lớn như nước khác vì Việt Nam nhập khẩu một phần, còn lại có lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn với giá rẻ hơn. Việt Nam hầu như không bị đứt gãy chuỗi cung ứng; nhập khẩu đầu vào, vật liệu sản xuất từ Trung Quốc (gần kề), nhất là thịt lợn, giá logistics giảm; giá gạo tăng ít hơn lúa mỳ.

Nguyên nhân từ bên trong, đó là tỷ giá tương đối ổn định (nhờ thanh khoản dồi dào); chính sách trợ giá (xăng dầu, điện,…), giảm thuế; lợi thế so sánh nông nghiệp (thậm chí hưởng lợi như gạo, đạm); đầu tư công giải ngân chậm; thị trường bất động sản (BĐS), tăng trưởng GDP thấp.

Nghịch lý tăng trưởng

Nhận định về tình hình kinh tế quý đầu tiên của năm 2024, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, bất thường, thậm chí nhiều xu hướng ngày càng khó khăn hơn, kinh tế Việt Nam quý I/2024 phục hồi và phát triển khá tốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

“Quan trọng hơn là tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới”, TS. Võ Trí Thành đề xuất.

Ông Trần Đình Thiên cũng băn khoăn: “Thông thường tăng trưởng cao thì lạm phát cũng tăng cao. Nhưng trong quý I/2024, tăng trưởng 5,66% nhưng lạm phát chỉ tăng 3,77%? Thông thường số DN thành lập mới bao giờ cũng cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường nhưng trong quý I/2024 có sự đảo chiều: Số DN thành lập mới gần 60 nghìn DN, trong khi số rút lui lên tới gần 74 nghìn DN, chưa kể số vốn đăng ký ngày càng giảm”.

Theo chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế mở, nhưng DN đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 2/3 “chiếc bánh” xuất nhập khẩu, trong khi chỉ chiếm hơn 20% tổng đầu tư xã hội, 55% giá trị công nghiệp, 18% thu ngân sách và 20% GDP.

“Chúng ta đang đối diện với nghịch lý là: GDP tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp; GDP tăng trưởng nhưng lưu thông vốn ách tắc; kinh tế vĩ mô ổn định nhưng DN Việt rút lui khỏi thị trường nhiều, xu thế nhỏ đi, ngân hàng đối mặt nhiều rủi ro” – PGS. TS Trần Đình Thiên lưu ý.

Nguyên Viện trưởng VKTVN cho rằng, cần phải nhận thức thực chất quan hệ “tăng trưởng GDP” và ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Đồng thời cần nỗ lực “khai thông” nền kinh tế trên 3 tuyến: Hạ tầng giao thông; các kênh dẫn vốn (các thị trường tài chính – tiền tệ); cơ chế – chính sách và thủ tục.

Phân tích mức độ đóng góp của các ngành, lĩnh vực vào tăng trưởng GDP của quý I/2024, TS. Lê Xuân Sang cho rằng lĩnh vực Nông, ngư, lâm nghiệp phục hồi tương đối vững chắc; Du lịch phục hồi mạnh; Thị trường chứng khoán phục hồi tương đối vững; Xuất nhập khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc, ngoại trừ một số mặt hàng chủ lực; Đặc biệt khu vực FDI phục hồi tương đối vững chắc, nhất là FDI thực hiện. Một số lĩnh vực khác bước đầu phục hồi (lao động, việc làm có dấu hiệu phục hồi (công nghiệp xây dựng), hay phục hồi/chưa vững chắc (dịch vụ). Thị trường BĐS chưa/bước đầu phục hồi trong một số phân khúc/địa phương.

Đặc biệt chuyên gia này lưu ý lĩnh vực chưa phục hồi là DN và cho vay nền kinh tế, thậm chí lĩnh vực cho vay nền kinh tế nợ xấu tăng.

Theo đề xuất của chuyên gia đến từ VKTVN, giảm tính bất định bên ngoài thông qua nghiên cứu, dự báo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chủ động và thích ứng trong ứng phó chính sách và thích nghi. Tuy nhiên, hiệu quả và nghệ thuật gỡ rối cho thị trường BĐS, trái phiếu DN và nợ xấu ngân hàng là điều kiện tiên quyết để phục hồi vững chắc nền kinh tế.

Đặc biệt, nỗ lực và ý chí chính trị trong cải cách thể chế, nhất là liên quan BĐS một cách hiệu quả và kịp thời đóng vai trò không kém. Cùng với đó là thúc đẩy một bộ máy nhà nước hoạt động hữu hiệu, dám làm và đủ đổi mới, sáng tạo, kiến tạo phát triển trong một thế giới đầy đổi thay cũng có ý nghĩa lớn và cấp bách.

Tác giả: Thanh Thanh

Nguồn: Baophapluat.vn

Khai thông nền kinh tếkinh tế Việt Namtăng trưởngtăng trưởng bền vững