Chiều 11/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Trung Dũng – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác về tình hình, kết quả phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay.
Theo đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, hậu quả thiên tai nhưng được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, nỗ lực, giành kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Năm 2021, tăng trưởng GRDP đạt 5,02%, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố, thứ 4 khu vực Bắc Trung bộ. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn năm 2021 đạt hơn 28.000 tỉ đồng; giải ngân đầu tư công đạt 94,2% kế hoạch.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt kết quả tích cực. Đến nay, ở Hà Tĩnh có hơn 95% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 44 xã đạt chuẩn nâng cao, 3 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. 9/13 huyện, thành phố, thị xã ở Hà Tĩnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thương mại, du lịch, dịch vụ từng bước phục hồi. Năm 2021, xuất khẩu đạt 2 tỉ USD, tăng gần 68% so với năm 2020. Thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2022 đạt gần 9.100 tỉ đồng (gần 62% dự toán Trung ương giao).
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hà Tĩnh đã thu hút 61 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 18.000 tỉ đồng và hai dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký gần 2,3 tỉ USD.
Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 Hà Tĩnh xếp thứ tám cả nước, thứ hai khu vực Bắc Trung bộ. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ bảy cả nước. Chỉ số đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân xếp thứ năm cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 27 cả nước.
Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, toàn tỉnh có hơn 1.800 di tích lịch sử, văn hóa; bốn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị Văn hóa cấp tỉnh vào tháng 5/2022.
Giáo dục và đào tạo tiếp tục đạt thành tích cao, xếp thứ năm toàn quốc trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022. Công tác an sinh xã hội được chú trọng. Hiện toàn tỉnh không còn huyện nghèo, xã nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn 4,58%, hộ cận nghèo còn 5,09%.
Tỉnh cũng chủ động phòng, chống và kiểm soát tốt dịch Covid-19; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; hợp tác quốc tế mở rộng… Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị được quan tâm củng cố thường xuyên. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn đảm bảo theo quy định. Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tập trung thực hiện. Công tác tiếp dân, đối thoại với dân được triển khai nghiêm túc; kỷ luật, kỷ cương được siết chặt…
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị sớm xem xét chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng; xem xét điều chỉnh, bổ sung dự án chuyển đổi từ điện than sang điện khí và nâng công suất Trung tâm Điện lực Vũng Áng 3 từ 2.400MW lên 4.500MW; hỗ trợ, xúc tiến nước CHDCND Lào nâng cấp đoạn đường giữa hai cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – Nậm Phao; tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, mở rộng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; sớm triển khai dự án tiêu thoát lũ vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ…
Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng triển khai một số dự án công trình giao thông, hạ tầng cơ sở trên địa bàn Hà Tĩnh.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều tiềm năng, điều kiện không nơi nào có được. Hà Tĩnh đi lên từ nội lực con người; con người Hà Tĩnh chịu khó vươn lên, thời kỳ nào cũng có người tài. Đây chính là nguồn tài sản lớn mà tỉnh phải khai thác, phát huy tối đa về năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất để vươn lên xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
“Dù có khó khăn về thời tiết, là nơi “chảo lửa, túi mưa” nhưng Hà Tĩnh thuận lợi hơn nhiều so với một số tỉnh trong khu vực; đó là lợi thế về truyền thống văn hóa – lịch sử, tinh thần đoàn kết, lợi thế về giao thông, tiềm năng biển… Từ lợi thế đó, Hà Tĩnh cần tập trung phát triển toàn diện và bền vững hơn” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Trương Hoa/Nhà đâu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/ha-tinh-de-nghi-thu-tuong-dong-y-mo-rong-khu-kinh-te-vung-ang-d66959.html