Vừa qua, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với nhân dân thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ liên quan đến khai thác mỏ cát phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Đây là lần thứ 4 kể từ tháng 8/2023 đến nay, huyện này đã tổ chức đối thoại, tiếp thu, trả lời những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ nhưng vẫn chưa thuyết phục được gần 100 hộ dân phản đối việc khai thác cát trên sông Ngàn Mọ, đoạn qua địa bàn xã Cẩm Mỹ.
Mỏ cát tại thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ là mỏ vật liệu xây dựng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 6/2/2014. Ngày 6/7/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1602/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung khu vực khai thác vật liệu xây dựng thông thường vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn, mục đích nhằm phục vụ thi công Gói thầu số 11-XL, Dự án thành phần đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Khu đất khai thác mỏ cát tại thôn Mỹ Yên có tổng diện tích gần 3,479ha, ảnh hưởng đến đất sản xuất của 86 hộ dân với diện tích gần gần 1,7ha; số diện tích còn lại do xã Cẩm Mỹ quản lý và đất sông ngòi, hoang hóa, bãi bồi. Tổng khối lượng khai thác mỏ cát là 89.196m3.
Theo quy định, mỏ cát thôn Mỹ Yên được khai thác nhằm phục vụ dự án trọng điểm quốc gia thuộc công trình cao tốc Bắc – Nam, không sử dụng cho mục đích khác. Tuy nhiên, lo ngại quá trình khai thác sẽ gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân nên hiện nay, một bộ phận người dân vẫn phản đối việc khai thác mỏ cát.
Ông Hà Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên khẳng định, khai thác mỏ cát tại thôn Mỹ Yên là để phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam, là nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, có đầy đủ cơ sở pháp lý, được đánh giá toàn diện của các cấp, ngành cả về khoa học và thực tiễn. Vì vậy, khai thác mỏ cát thôn Mỹ Yên không ảnh hưởng vấn đề môi trường, không có nguy cơ sạt lở. Trong thời gian tới, chính quyền huyện Cẩm Xuyên sẽ tiếp tục đồng hành, đối thoại, thuyết phục để người dân phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, quốc gia. Từ đó, đồng thuận để khai thác mỏ cát thôn Mỹ Yên phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Cũng thời điểm này, chính quyền các huyện Thạch Hà và Can Lộc cũng đang tập trung đôn đốc các xã Lưu Vĩnh Sơn và Thượng Lộc, tích cực phối hợp với Ban quản lý dự án Thăng Long cùng các đơn vị liên quan để hoàn thiện công tác thoả thuận bồi thường, GPMB tại khu vực mỏ đất; khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện các nghĩa vụ tài chính tại mỏ đất Thượng Lộc (diện tích 10,7ha, trữ lượng 1.650.000m3) tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc và mỏ đất Lưu Vĩnh Sơn 2 (diện tích 18ha, trữ lượng 1.447.376 m3) tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà. Đây là 4 trong số các mỏ đất san lấp phục vụ thi công Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận đang còn vướng mắc, chưa thể đưa vào khai thác trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu là do một số hộ dân yêu cầu bồi thường với giá trị cao hơn quy định hoặc phải bồi thường trên tổng diện tích hiện có.
Ông Lưu Tuấn, Phó Giám đốc điều hành dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng cho biết, đoạn tuyến dài 54km, trong đó đi qua 8 xã của huyện Cẩm Xuyên với chiều dài 30,5km. Được khởi công từ tháng 1/2023 nhưng đến nay, một số đoạn tuyến vẫn chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng, nguyên nhân là do nguồn đất, cát sử dụng cho công trình cao tốc hiện còn thiếu, khó khăn cho quá trình thi công.
Tương tự, hai dự án thành phần khác là đoạn tuyến Bãi Vọt – Hàm Nghi và Vũng Áng – Bùng cũng trong tình trạng “khát” nguồn vật liệu để thi công. Theo tính toán, để thực hiện các dự án này qua địa bàn, cần ít nhất khoảng 1,09 triệu m3 cát và 11,4 triệu m3 đất. Thời gian vừa qua, chủ đầu tư dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà thầu để gỡ vướng về vấn đề vật liệu xây dựng.
Sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh “khơi thông” được vấn đề mỏ vật liệu, các nhà thầu đã bắt đầu khai thác được các mỏ đất và mỏ cát phục vụ cho dự án. Tuy nhiên, quá trình khai thác tại một số mỏ vật liệu cũng đã xảy ra sự cố. Đơn cử, vào trưa ngày 23/9/2023, quá trình khai thác đất phục vụ cho dự án cao tốc Bắc – Nam tại mỏ đất Lưu Vĩnh Sơn 2 thuộc địa bàn thôn Tây Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), do không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh đã để xảy ra sự cố sạt lở mỏ đất với khối lượng sạt lở khoảng 30-40m3 tại vị trị cắt tầng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà cho biết, dù Hà Tĩnh đã chủ động trong đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng thi công cao tốc Bắc – Nam như khoanh vùng, cung cấp danh sách các khu vực mỏ khoáng sản nhưng do một số khó khăn, vướng mắc phát sinh nên thời gian qua, nguồn vật liệu xây dựng, nhất là đất đắp, cát xây dựng vẫn còn khó khăn, dẫn tới tiến độ một số gói thầu xây lắp thời gian qua ít nhiều chưa được như kỳ vọng, trong đó có đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi. Đoạn cao tốc này có chiều dài 35,28km, đi qua 4 địa phương: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, gói thầu xây lắp do liên danh Tổng Công ty CP xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) và Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng đảm nhận thi công. Ngoài nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) từ các mỏ thương mại trên địa bàn, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu, UBND tỉnh đã chấp thuận xác nhận 5 mỏ khoáng sản để phục vụ thi công cao tốc Bắc – Nam.
Để tháo gỡ khó khăn, ngoài việc chấp thuận 11 khu vực mỏ khoáng sản, UBND tỉnh Hà Tĩnh còn ban hành Quyết định số 1991/QĐ-UBND thành lập tổ công tác tư vấn hỗ trợ thương thảo, thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại các khu vực mỏ đã được tỉnh xác nhận khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam để có thể xử lý triệt để các khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng.
Ông Lê Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết thêm, để thực hiện công tác GPMB dự án trọng điểm quốc gia, Bộ GTVT đã bố trí nguồn kinh phí cho Hà Tĩnh là 2.853,43 tỷ đồng. Tính đến ngày 14/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn tất công tác kiểm đếm; áp giá, phê duyệt phương án bồi thường đạt 99,49% và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn đạt 98,21%. Cùng đó, 26 khu tái định cư và 4 khu nghĩa trang phục vụ dự án cao tốc bắc – Nam qua địa bàn tỉnh đều đã triển khai thi công. Tới nay, có 10 khu đạt khối lượng 100% (7 khu tái định cư, 3 khu nghĩa trang); các khu còn lại đạt khối lượng từ 67 – 99%.