Tôi đã từng có thời căng như dây đàn nguyên buổi khi theo dõi biến động giá của cổ phiếu, từng giật thót người khi một cổ phiếu tăng giá lên trần hay giảm xuông sàn với một lượng bán khủng khiếp. Với quyết định mua sai, tôi đã nhận lấy thất bại cay đắng và thua lỗ, chỉ vì quá nguyên tắc, quá cứng nhắc.
Tôi tin rằng, nhiều người đã từng trải qua cảm giác hồi hộp xen lẫn phấn khích khi cả ngày theo dõi bảng điện tử, tim như nhảy nhót hòa cùng với màu sắc của các con số. Với những cổ phiếu có khối lượng giao dịch “khủng” thì giá cứ xanh rồi lại đỏ và ngược lại là chuyện bình thường. Điều đó thể hiện lượng mua bán lớn, lượng tiền lớn và số người quan tâm lớn. Đó là việc tốt cho thị trường chứng khoán, tuy nhiên cũng là bài thử thách khả năng tính toán và sức chịu đựng của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân.
Đã là nhà đầu tư thì ít nhiều chúng ta cũng nắm rõ nguyên tắc cơ bản của khi nào mua cổ phiếu, đó là “cảm thấy thị trường có lực”, mà để có lực cũng tức là thanh khoản phải cao. Điều đó cho thấy cổ phiếu đang có “sức sống”, và còn đà đi lên tiếp. Một cổ phiếu mà lượng đặt mua giá cao không có, chỉ chăm chăm kê mua giá thấp cũng tức là nó chưa đủ lực. Đó là kiến thức cơ bản, nhưng cũng đồng thời là một cái bẫy trên thị trường Việt Nam. Việc cố mua bán máy móc khiến tôi không nhận thức được rằng sai lầm ở đâu, vì chúng chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc rất ngắn trong phiên, có khi chưa đến 1 phút.
Đó chính là diễn biến rung lắc trong phiên giao dịch, thứ mà nhiều người trong chúng ta hành động quyết liệt để mua hay bán. Trong tình hình chung của thị trường, các cổ phiếu có vốn hóa lớn vẫn có những giao dịch lớn đủ để dẫn dắt thị trường và tạo ra một “sự cân bằng giả tạo” cho những ai nhìn vào đó để ra quyết định mua bán một cố phiếu nhỏ. Chẳng hạn, thị trường tăng nhưng cổ phiếu của một công ty riêng biệt lại đi ngang hoặc giảm, một lệnh lớn được khớp và ta lầm tưởng rằng đó là chỉ báo cho sóng tăng. Ta mua ngay và đón nhận thất bại mà không làm sao sửa được.
Việc gì cũng có hai mặt của nó. Trong xu thế thị trường tăng nóng thì những phiên điều chỉnh là cần thiết để chinh phục những mức cao mới. Ai cũng nghĩ như vậy và tôi cũng nghĩ thế. Tôi dán mắt theo dõi mấy cổ phiếu tiềm năng và chỉ chờ rung lắc là nhảy vào. Mặc kệ những sự hoài nghi của chính tôi vì khối lượng giao dịch nhỏ giọt, những lệnh nhỏ cứ kê mua giá thấp và kê bán giá cao, tôi vẫn xem như không có gì và chỉ chăm chăm mua khi có rung lắc và khối lượng giao dịch lớn.
Tôi chơi rất đúng lý thuyết và tự tin với hành động đó. HPG (Hòa Phát) là một cổ phiếu lớn, một blue-chip được đánh giá cao trên thị trường và cũng là một nơi “tránh bão” an toàn mỗi khi “có biến”. Tuy nhiên đây cũng là một cổ phiếu không dễ “lái” và giá nó phản ánh khá đúng diễn biến chung của cả thị trường.
Một ngày đẹp trời, HPG “rung lắc” nhẹ, rồi lệnh khớp tăng lên với khối lượng đột biến. Tôi mừng rơn, nhảy ngay vào với 20% vốn còn lại, chắc mẩm mình sẽ lãi lớn vì dấu hiệu tạo sóng đã quá rõ ràng trong một thị trường “có vẻ bắt đầu tăng mạnh”. Hội “nghiên cứu kỹ thuật” cũng có một số người tin tưởng như vậy khi so sánh với các mô hình tăng trưởng. Cộng thêm một số tin tức lạc quan xuất hiện rải rác, tôi tặc lưỡi rồi xuống tiền.
Nhưng trời không chiều lòng người, hay đúng ra là tôi đã lội ngược dòng thị trường khách quan. Khớp lệnh lớn, rung lắc mạnh hóa ra lại là rung lắc trong sóng giảm vẫn đang tiếp diễn. Tôi ngớ người, không tin nổi vào màu đỏ đang nhìn thấy trên bảng điện. Tôi nhận ra rằng mớ lý thuyết mua vào khi thị trường chung đang “cá hồi” và có “rung lắc” mạnh với khối lượng giao dịch lớn là sai lầm. Đó là hành động trong sóng tăng, còn đây là chưa biết có sóng hay không.
Rôi tôi cũng rút ra được kinh nghiệm cho lần thất bại này. Số tiền thua lỗ cũng là chỉ báo cho tính nóng vội, thiếu kiên nhẫn khi vội vàng quyết định mạo hiểm. Việc mua khi thanh khoản tăng mạnh vẫn là hành động nên làm, nhưng cũng nên cẩn thận vì có thể chúng ta dính phải cái bẫy rung rắc để thị trường xả hết những thứ thừa thãi, sau đó mới bắt đầu quá trình tích lũy để tạo sóng mới.
Bài học lớn hơn ở đây là nhà đầu tư phải học cách vững vàng về tâm lý. Cần nghiên cứu kỹ trước mỗi quyết định lớn của bản thân, nhất là khi quan sát diễn biến thị trường trong ngày trong thời gian dài. Hạn chế bị cuốn theo diễn biến giao dịch rồi để sự hứng khởi thao túng, nếu có gì chưa chắc chắn thì cũng nên cẩn thận, và nhất là không phải lúc nào cũng nên lao theo tâm lý của người khác rồi lại suy nghĩ “đã đâm lao rồi phải theo lao”.
Tác giả: Đinh Thành
Nguồn: Kinh tế chứng khoán