Mặt khác, tình trạng nhiều cơ sở buôn bán, kinh doanh thuốc y tế giá cao, không theo niêm yết, hiện tượng thuốc giả có dấu hiệu tuồn vào thị trường…đã xảy ra ở nhiều địa phương khiến dư luận bức xúc, được nhiều người quan tâm.
Nguồn vật tư y tế bị “tắc”
Vấn đề thiếu thuốc, vật tư điều trị tại các cơ sở y tế xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn Nghệ An đang trở thành nỗi lo chung của người bệnh trước khi vào thăm khám, điều trị.
Trong khi đó, tình trạng đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư Y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh còn chậm khiến câu chuyện nguồn vật tư y tế của Nghệ An đang bị “tắc” trong thời gian qua.
Bà T.T.L trú tại xã Diễn Lâm, huyện Châu cho biết, vừa rồi tôi có vào bệnh viện tuyến tỉnh lấy thuốc về để điều trị ngoại trú nhưng bác sỹ thông báo loại thuốc kê trong đơn hiện nay đang tạm hết rồi hướng dẫn ra ngoài tự mua thuốc. Lý do, những loại thuốc mà bà L cần hiện bệnh viện đang hết và đang chờ kết quả đấu thầu mới có thể cung ứng đầy đủ được.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều lãnh đạo bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đang than phiền vì gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khám, điều trị cho bệnh nhân trong thời gian qua, không ít trường hợp phải chuyển tuyến trên do thiếu thuốc, vật tư y tế.
Cũng qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trên địa bàn Nghệ An trong đó có việc thẩm định giá quá thấp khiến các nhà thầu không mấy mặn mà tham gia.
Mặt khác, thực trạng giao cho các đơn vị y tế kém năng lực tổ chức đấu thầu, tập trung ở đơn vị tuyến huyện khiến nhiều gói thầu không thể công bố kết quả theo quy định. Bởi việc thành lập tổ đấu thầu, ban quản lý dự án…để tham gia đấu thầu chưa chuyên nghiệp, bán chuyên trách khiến quy trình tổ chức đấu thầu còn rườm rà, thiếu tình thống nhất, tốn nhiều thời gian. Nếu tình trạng này không được kiện toàn, đưa ra hướng xử lý kịp thời thì dự báo từ tháng 01 đến tháng 02/2023 có thể xảy ra hiện tượng thiếu nhiều thuốc, vật tư y tế là điều khó tránh khỏi.
Mới đây, tại cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An lần thứ 11 diễn ra vào ngày 8/12/2022, ông Nguyễn Đức Hồng – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Yên Thành phản ánh tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc điều trị bệnh cho người dân hiện nay đang xảy ra và trở thành nỗi lo cho người dân trên địa bàn.
Và đã đến lúc cần có giải pháp cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong khâu đấu thầu thuốc, vật tư y tế tiêu hao để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho các đơn vị y tế.
“Theo quy định là 1 số gói thầu trị giá dưới 100 triệu đồng thì thực hiện theo chỉ định thầu còn trên 100 triệu đồng là phải đấu thầu. Trong đó có nhiều loại thuốc quan trọng, thuốc cấp cứu, giá trị gói thầu nhỏ cũng phải tổ chức đấu thầu nên không có đơn vị tham gia đấu thầu, trong khi các loại thuốc này rất thiết yếu…” – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Yên Thành nêu thực trạng.
Thiếu vật tư y tế do vướng thẩm định giá
Người đứng đầu ngành Y tế của Nghệ An cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng thiếu vật tư y tế xảy ra cục bộ trên địa bàn, đặc biệt còn có tình trạng vướng khâu thẩm định giá khi lập hồ sơ đấu thầu.
Trước những vấn đề cử tri, người bệnh lo lắng về tình trạng thiếu vật tư y tế xảy ra tại một số cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn trong thời gian qua, PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, thiếu thuốc chỉ mang tính chất cục bộ, gần như các thuốc thiết yếu được cung ứng đầy đủ. Và, việc thiếu thuốc chủ yếu rơi vào một số loại thuốc chuyên khoa hoặc những loại nhà thầu không nhập khẩu vào Việt Nam.
Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu dẫn chứng, vừa rồi tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh thiếu stent để đặt cho bệnh nhân tim mạch. Nguyên nhân do năm 2021 có khoảng 1.600 bệnh nhân phải đặt stent. Trong khi đó, theo dự trù của bệnh viện năm 2022 đã đặt mua stent đáp ứng cho khoảng 2.500 bệnh nhân. Tuy nhiên đến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2022 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh đã hết stent cho bệnh nhân.
“Trước đây câu chuyện thiếu stent xử lý tương đối dễ nhưng bây giờ rất khó vay mượn do không được phép nữa. Hiện nay, bệnh viện đang sử dụng các quỹ nhân đạo để tạm thời mua đặt cấp cứu cho bệnh nhân hoặc liên hệ với các bệnh viện tỉnh khác để chuyển bệnh nhân đến kịp thời” – PGS.TS Dương Đình Chỉnh cho biết.
Đại diện Sở Y tế Nghệ An cũng nêu nguyên nhân xảy ra tình trạng nói trên vì trong đấu thầu vật tư y tế quy trình phức tạp, liên quan đến nhiều sở, ngành nên ngành Y tế rất khó chủ động. Đặc biệt, khó nhất liên quan đến khâu thẩm định giá vì ít doanh nghiệp tham gia thẩm định giá.
Trước đây trên địa bàn Nghệ An có 04 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá nhưng hiện nay chỉ còn 01 doanh nghiệp song cũng chỉ thẩm định được một vài gói thầu cơ bản. Những gói thầu vật tư quy mô lớn không thể tham gia thẩm định được. Mặt khác, các thông tin hóa chất, về vật y tế tư trên Cổng thông tin của Bộ Y tế cũng chưa đầy đủ nên rất khó khăn trong việc tham khảo giá để thẩm định.
Theo PGS.TS Dương Đình Chỉnh, để không bị “tắc” trong công tác đấu thầu, cung cấp vật tư y tế, việc thành lập trung tâm đấu thầu tập trung để đưa công tác đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao về một mối như TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Thái Nguyên… đã làm hoạt động rất hiệu quả. Thông qua trung tâm đấu thầu tập trung như các tỉnh, thành nói trên đã làm sẽ giảm gánh nặng cho cán bộ y tế, giúp họ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tạo ra đầu mối như vậy ở Nghệ An hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Được biết, hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị hiện nay vẫn do các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh Nghệ An tự thực hiện thông qua các ban quản lý dự án. Quy trình thực hiện cũng rườm rà, tốn không ít thời gian do phải tham vấn nhiều cơ quan chuyên môn khiến công tác đấu thầu gặp nhiều vướng mắc.
Theo Ngọc Thái
Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/dau-thau-vat-tu-y-te-tai-nghe-an-chua-thong-do-dau-237311.html