Lãi suất cho vay bình quân chỉ từ 6,3%/năm
Theo công bố của Agribank, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường tối thiểu 5%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn thông thường tối thiểu 6%/năm. Lãi suất cho vay đối với tiêu dùng qua thẻ tín dụng là 13%/năm. Lãi suất cho vay bình quân tại Agribank là 7,47%/năm. Chi phí vốn bình quân là 6%/năm. Với mức lãi suất cho vay và huy động bình quân nói trên, hiện chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động là 1,47%/năm.
Trước Agribank, BIDV là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 3. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân tại BIDV là 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.
Vietinbank có lãi suất cho vay bình quân là 6,3%/năm, đây cũng là mức lãi suất cho vay bình quân thấp nhất hệ thống ở thời điểm hiện tại. Chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân là 2,45%/năm.
Còn tại Vietcombank, lãi suất cho vay bình quân kỳ tháng 3 là 6,4%/năm, chênh lệch lãi suất cho vay và tiền gửi bình quân tại ngân hàng này là 3,4%/năm. Riêng mức chênh lệch lãi suất sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn tại Vietcombank hiện chỉ còn 1,8%/năm.
Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đồng loạt công bố lãi suất cho vay bình quân. TPBank công bố lãi suất cho vay bình quân là 7,76%. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,85% và nhóm khách hàng doanh nghiệp 7,34%. Chênh lệch lãi suất bình quân tại TPBank ở mức 3,75%; Eximbank (8,17%/năm); ABBank (7,42%/năm với khách hàng cá nhân và 6,12%/năm với doanh nghiệp); VIB (8,6%/năm đối với cá nhân và 7,69%/năm đối với doanh nghiệp);…
Ngoài ra, các ngân hàng nước ngoài như Hong Leong, Agricultral Bank of China, Maybank chi nhánh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, First Commercial Bank chi nhánh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Công ty tài chính Lotte finance, FE Credit cũng đã công bố lãi suất cho vay bình quân.
Các ngân hàng đang tìm cách đẩy mạnh cho vay do tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người dân chưa mạnh dạn vay vốn vì nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng với lãi suất huy động.
Trong công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã chỉ rõ, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với lãi suất huy động. Yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân là một trong những giải pháp để người dân, doanh nghiệp lựa chọn ngân hàng vay.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: nếu các tổ chức tín dụng không thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân thì không chỉ NHNN sẽ đánh giá mà nền kinh tế, doanh nghiệp đánh giá. Hoặc nếu các ngân hàng chỉ công bố lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn vì lãi suất này thấp thì cũng không công bằng.
Bên cạnh thực hiện nghiêm túc việc công khai lãi suất, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng cần gửi đường dẫn (link) công bố các loại lãi suất về NHNN, nếu thay đổi đường dẫn thì phải cập nhật trong 2 ngày làm việc. Ngân hàng sẽ tự chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu công bố; giải thích rõ ràng về nội dung thông tin, số liệu công bố; chủ động tiếp nhận, giải đáp và xử lý các vướng mắc từ khách hàng (nếu có)…
Tăng cơ hội tiếp cận vốn
Việc các ngân hàng buộc phải niêm yết công khai lãi suất cho vay, các đơn vị đánh giá đây là cơ hội giúp cho doanh nghiệp và người dân có cơ sở để so sánh lãi suất cho vay vốn giữa các ngân hàng, buộc các nhà băng phải cạnh tranh để có khách hàng.
“Tôi ủng hộ việc công khai cụ thể lãi suất cho vay, không chỉ là lãi suất cơ sở mà nên công khai cả các khoản phí khi vay vốn cũng như phạt trả nợ trước hạn… để người vay có cơ sở so sánh và chọn lựa” – bà Trần Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thanh bày tỏ.
Là chủ doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử xuất khẩu tại Hà Nội, bà Nguyễn Kim Chi luôn hy vọng lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giảm để doanh nghiệp có cơ hội tiết giảm chi phí. Theo bà Chi, lãi suất dựa trên nhiều yếu tố và là thỏa thuận của doanh nghiệp với ngân hàng. Nếu lãi suất bình quân được công khai thì người đi vay sẽ có yếu tố tham chiếu và có lợi hơn khi đàm phán. Tuy nhiên, điều cốt lõi là doanh nghiệp phải tiếp cận được vay ngân hàng và chứng minh được năng lực và cho ngân hàng thấy uy tín của mình.
Từ phía các ngân hàng, công khai lãi suất sẽ khiến áp lực cạnh tranh gia tăng, buộc họ phải đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút người vay. Giám đốc Ban Chính sách Sản phẩm Bán buôn BIDV Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết: “mức lãi suất cho vay bình quân của BIDV là 6,49%, được tính trên cơ sở lãi suất cho vay của các khoản vay phát sinh trong kỳ báo cáo. Với những khách hàng và dự án tốt, hoặc khách hàng xếp hạng tín dụng cao thì thậm chí vay thấp hơn cả mức lãi suất cho vay bình quân”.
Bên cạnh công khai lãi suất bình quân, một loạt ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, SHB, Nam A Bank, UOB, Shinhan Bank… cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp khác.
“Các ngân hàng cũng phải tiết giảm chi phí để có mức lãi suất hấp dẫn, hỗ trợ khách hàng phát triển sản xuất kinh doanh” – Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp PVcomBank Nguyễn Hoàng Hải cho hay.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%, sau 2 tháng tăng trưởng âm. Dù tín dụng chưa tăng trưởng đáng kể, song lãnh đạo nhiều ngân hàng kỳ vọng, lãi suất thấp và kinh tế đang phục hồi sẽ thúc đẩy cầu tín dụng bắt đầu từ quý II/2024.
Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm so với cuối năm 2023. Theo NHNN, tính đến ngày 25/3, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Tác giả: Trâm Anh
Nguồn: kinhtedothi.vn