Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng được triển khai bởi các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước, đến nay BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng. Như vậy, hiện mới chỉ có 2 ngân hàng và 3 địa phương triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, cả 4 ngân hàng có vốn nhà nước cùng cam kết mỗi ngân hàng sẽ cho vay 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
Còn theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố đầu tháng 8, có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói 120 nghìn tỷ đồng. Đã có 15/63 Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét công bố danh mục gồm 40 dự án với tổng mức đầu tư là 43.707,28 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 18.010,48 tỷ đồng. Có 11 UBND tỉnh công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với tổng vốn đầu tư là 31.673,1 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 12.442,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của các doanh nghiệp cũng như các địa phương, gói tín dụng 120.000 tỷ đang có những vướng mắc khiến cho tiến độ giải ngân gặp khó khăn. Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện tỉnh đang triển khai 51 dự án nhà ở xã hội. Trên cơ sở rà soát hồ sơ, công bố các dự án đủ tiêu chuẩn vay vốn theo gói 120 nghìn tỷ là 6 dự án – hiện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thủ tục để giải ngân. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Bắc Ninh cho rằng, mức lãi suất cho vay vốn đang quá cao.
“Hiện gói vay 120 nghìn tỷ có quy định vay vốn giống các nhà ở thương mại khác, nên đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Về lãi suất, doanh nghiệp cũng đang phải vay vốn lãi suất cao hơn các gói tín dụng ưu đãi, tương tự các mức vay khác ở ngân hàng thương mại – chi phí này được hạch toán vào giá nhà bán, dẫn đến giá bán nhà cao lên. Bởi vậy, doanh nghiệp mong muốn được hạch toán chi phí theo lãi vay của ngân hàng thương mại, lãi suất bao nhiêu được tính vào giá bán, không bắt buộc tính theo lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn lãi suất giảm để hỗ trợ doanh nghiệp”, đại diện Sở Xây dựng Bắc Ninh đề xuất.
Phản hồi đề xuất giảm thêm lãi suất gói 120 nghìn tỷ đồng, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, do gói tín dụng 120 nghìn tỷ hoàn toàn dùng nguồn lực từ các tổ chức tín dụng, do đó, lãi suất sẽ phải cao hơn so với gói vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng đã rất thấp so với mặt bằng chung, áp dụng đối với người mua nhà là 7,7%/năm, chủ đầu tư là 8,2%/năm.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh – ông Lê Hoàng Châu đồng ý gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội. Bởi lẽ, nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo 2 tiêu chí: Thứ nhất, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại, như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8%-5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hàng năm. Thứ hai, thời hạn vay ưu đãi dài hạn, như Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 5 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, NHNN quy định lãi suất của gói 120 nghìn tỷ là 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… vẫn là quá cao so với khả năng tài chính của đối tượng là người có thu nhập thấp. Ngoài ra, theo các chuyên gia, thời gian ưu đãi của gói tín dụng này đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình nhưng chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, gói 120.000 tỷ đồng sẽ khó khả thi bởi lãi suất cho vay 8,2%/năm là quá cao so với khả năng chi trả của người lao động có thu nhập thấp. Hơn nữa, sau 5 năm, lãi vay sẽ được thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng – đây là điều rất rủi ro đối với công nhân, do đó, cần có hỗ trợ từ ngân sách…
Tác giả: Hà An
Nguồn: cand.com.vn