Báo cáo tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống ma túy trên biển diễn ra ngày 19/10, đại diện Cục Nghiệp vụ và pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho biết, mặc dù nhiều đường dây mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy mô lớn liên tục được triệt phá trong thời gian qua, song tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong đó, nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường hàng không và tuyến biển.
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, từ ngày 1/1/2017 đến 15/10/2022, lực lượng Cảnh sát biển đã trực tiếp và phối hợp đấu tranh 1.262 chuyên án, vụ án, bắt giữ 1.902 đối tượng; tang vật thu giữ 542 kg heroin, 847,5 kg ma túy tổng hợp các loại, 109,3 kg cần sa, 24 khẩu súng + 144 viên đạn các loại, gần 6 tỷ đồng và và nhiều vật chứng có liên quan khác. Chỉ tính riêng, lực lượng Cảnh sát biển đã trực tiếp đấu tranh, khởi tố 527 vụ với 658 đối tượng; phối hợp 735 vụ với 1.244 đối tượng.
Đại diện Cục Nghiệp vụ và pháp luật cho biết thêm, các thông tin, vụ việc nêu trên, có thể khẳng định tội phạm ma túy lợi dụng tuyến biển để vận chuyển, mua bán ma túy với số lượng lớn diễn ra với tốc độ ngày càng gia tăng, phức tạp, nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và diễn ra trên khắp các vùng biển.
Để ngăn chặn, đẩy lùi việc thẩm lậu ma túy vào Việt Nam bằng đường biển, không để Việt Nam là điểm “nóng” về ma túy và là nơi trung chuyển ma túy bằng đường biển, tại hội nghị, Đại tá Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh pháp luật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Quân ủy Trung ương về công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên biển. Đặc biệt, tăng cường hoạt động trên các khu vực biển nhạy cảm về ma túy để kịp thời phát hiện, xác lập, đấu tranh tội phạm ma túy trên biển.
Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng và Hải quan thông qua việc triển khai thực hiện các kế hoạch khảo sát, tuần tra trên bộ, trên biển; trao đổi, chia sẻ các thông tin, giám sát các phương tiện tàu, thuyền, các đối tượng nghi vấn liên quan đến tội phạm ma túy; xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy lớn hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia…
Đồng thời, lực lượng sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật phòng, chống ma túy cho nhân dân, nhất là ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển; chú trọng tuyên truyền phòng ngừa về ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới.
Đặc biệt, tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân, ngư dân về các quy định Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); chú trọng xây dựng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy trong công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân,” “Chương trình em yêu biển đảo quê hương”. Kể từ khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực, nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển được quy định tại Điều 8 của Luật đã mang lại hiệu quả to lớn, giúp lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trực tiếp và phối hợp triệt phá được nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma tuý với số lượng lớn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biển.
Theo T.H
Link gốc: https://cand.com.vn/phap-luat/canh-sat-bien-truc-tiep-va-phoi-hop-dau-tranh-1-262-chuyen-an-i671510/