Chiều 6/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8/2022. Đồng chí Trần Văn Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có lãnh đạo các bộ, ngành chức năng. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đại diện Bộ Công an tham gia phiên họp, trả lời câu hỏi của các phóng viên.
Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông báo tóm tắt kết quả phiên họp tháng 8 của Chính phủ diễn ra cùng ngày; nhấn mạnh các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tháng 9/2022 và các tháng cuối năm. Cụ thể, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về: Tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; chương trình phục hồi và phát triển KTXH; 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình giải ngân vốn đầu tư công; định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia; công tác phòng chống dịch…
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cơ quan điều tra khởi tố bổ sung lãnh đạo FLC về các tội danh trên thị trường chứng khoán thì trách nhiệm các cơ quan quản lý liên quan sẽ như thế nào? Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Công an cho biết hiện vụ án đang trong quá trình điều tra và cần bảo mật. Vì vậy, khi có kết luận điều tra thì sẽ có công khai trách nhiệm cả cá nhân và tập thể, kể cả cơ quan quản lý nhà nước.
Về cần làm gì để phòng ngừa hiện tượng tương tự, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói, ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị 02 đưa ra một loạt giải pháp để có thể phòng ngừa, chấn chỉnh các hành vi này. Chỉ thị nêu rõ từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đến giám sát, kiểm tra các giao dịch chứng khoán… Chỉ thị hiện đã được đăng công khai trên website của Bộ Tài chính. “Về điều kiện các cổ phiếu ROS và FLC giao dịch trở lại, tôi xin trả lời, khi nào những vi phạm khiến các cổ phiếu này bị ngừng và hủy giao dịch khắc phục được và doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch thì sẽ được giao dịch trở lại. Cụ thể, đối với cổ phiếu của FLC, cần phải có Báo cáo kiểm toán năm 2021 và báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2022, rồi phải tổ chức đại hội cổ đông… Khi có đủ các điều kiện này, doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch thì sẽ được đáp ứng” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh và cho biết, khi hủy giao dịch, nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng nhưng với trách nhiệm là cổ đông thì các nhà đầu tư phải có ý kiến tại đại hội cổ đông để khắc phục các việc trên và niêm yết trở lại. Như vậy mới có thể giảm và khắc phục thiệt hại kinh tế.
Trước khi trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến sổ hộ khẩu, vấn đề lừa đảo đưa người sang Campuchia lao động trái phép, Trung tướng Tô Ân Xô “chia lửa” với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi về trách nhiệm của cơ quan chức năng liên quan đến vi phạm của nhóm đối tượng công ty FLC cho biết, cơ quan điều tra đang điều tra, làm rõ các sai phạm của nhóm đối tượng thuộc đối tượng này.
“Đối với hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, chúng tôi thực hiện khách quan, án tại hồ sơ, trọng chứng hơn trọng cung trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm” – Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định và cho biết, khi một tổ chức, cá nhân nào đó bị xử lý hình sự thì không thể suy diễn sẽ có cá nhân, tổ chức nào đó cũng bị xử lý trách nhiệm; đồng thời đề nghị, ai có chứng cứ về việc cá nhân, tổ chức liên quan giúp sức cho nhóm đối tượng thuộc Công ty FLC thì thông tin cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra, làm rõ.
Về điều tra đường dây mua bán người, lừa đảo, dụ dỗ các nạn nhân sang Campuchia làm việc trái phép, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Bộ Công an đang chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an các địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ, xử lý các đối tượng có hành vi phạm tội.
Về sổ hộ khẩu, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, theo quy định tại khoản 3, Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 thì kể từ 1/7/2021 – khi Luật Cư trú có hiệu lực thì Bộ Công an không cấp sổ mới và không cấp lại sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, những sổ hộ khẩu đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về nơi cư trú của công dân theo quy định của Luật này cho đến hết 31/12/2022.
Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời chất vấn đã khẳng định, Bộ Công an không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu, chỉ thu hồi khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu đã cấp và không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu hàng loạt. Những công dân nào có nhu cầu điều chỉnh, thay đổi thông tin thì sẽ cập nhật, điều chỉnh thông tin trong dữ liệu quốc gia về dân cư và thu hồi sổ hộ khẩu cũ.
Sau khi có phản ánh của công dân, Cục Cảnh sát Quản lý về TTXH đã rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về thu hồi sổ hộ khẩu, chấn chính xử lý thu hồi không đúng quy định gây phiền hà cho người dân.
“Ngày 22/8/2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính đã có công văn gửi Văn phòng Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố… đề nghị phối hợp cùng thực hiện một số nội dung triển khai thực hiện Luật Cư trú trong đó có hướng dẫn cụ thể về phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để thực hiện giao dịch hành chính, trong đó có giao dịch đất đai. Như vậy, người dân có CCCD gắn chíp điện tử, thông báo số định danh cá nhân, xác nhận cư trú để thực hiện các giao dịch” – Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, đồng thời nhấn mạnh, Bộ Công an đang có điều chỉnh và có hướng dẫn rất cụ thể đối với Công an các địa phương để thực hiện Luật Cư trú. Thời gian tới, công dân đến làm thủ tục hành chính sẽ thực hiện theo Công văn trên.
Theo Phương Thủy
Link gốc: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bo-cong-an-chan-chinh-viec-thu-ho-khau-khong-dung-quy-dinh-i666520/