Bay 10 tỉ đồng vì “Mỹ nhân love”, đừng mất tiền do nhẹ dạ hoặc lòng tham

Công an thành phố Hà Nội đã cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo khi tham gia ứng dụng hẹn hò, nhưng vẫn nhiều nạn nhân bị mắc bẫy của tội phạm và bị chiếm đoạt số tiền lớn vì "Mỹ nhân love".
Ảnh minh hoạ: Công an Hà Nội

Mới nhất, một nam thanh niên bị chiếm đoạt số tiền lên tới 10 tỉ đồng khi tham gia nhóm hẹn hò Câu lạc bộ “Mỹ nhân Love” trên Telegram.

Nạn nhân được hướng dẫn nạp tiền để kích hoạt thẻ thành viên và nhận phần hoa hồng từ việc nạp tiền. Người này đã nghe theo và nộp tiền nhiều lần, tổng cộng hơn 10 tỉ đồng.

Bị lừa nạp tiền nhiều lần, cho đến số tiền lớn như vậy mới tỉnh ra là mình bị lừa, đi trình báo công an. Chiêu lừa cũ rích, chẳng có gì cao siêu nhưng nạn nhân vẫn dính bẫy. Quả thực đáng trách hơn là đáng thương.

Chỉ qua điện thoại, không có bất cứ cơ sở nào để tin được đối tượng tương tác trên một ứng dụng, nhưng vẫn tin và chuyển tiền, chỉ vì cái bẫy “hoa hồng” đi kèm. Ở đây, có thể do nhẹ dạ, nhưng xuất hiện yếu tố lòng tham. Chính những người quá nhẹ dạ cả tin này là nguồn “tài nguyên” nuôi dưỡng bọn tội phạm lừa đảo.

Cũng giống như nhiều trường hợp, tương tác qua mạng xã hội, “đối tác” thường là nam giới hứa gửi hàng từ nước ngoài về, nhưng người nhận phải chuyển tiền cho cơ quan quản lý để nhận hàng. Nghe vậy sướng cái bụng vì nghĩ rằng gặp người yêu “hào hoa phong nhã”, chuyển tiền rồi chờ hàng mãi không thấy mới biết mình bị lừa.

Tháng 7 vừa qua, xảy ra một trường hợp đúng với câu “miếng pho mát chỉ có ở bẫy chuột”. Bà Nguyễn Thị N. (SN 1964, trú thị trấn Mađaguôi, huyện Đa Huoai – Lâm Đồng) đăng ký nhận quà hè 2023 trên mạng xã hội Facebook, chỉ trong 2 ngày chuyển hơn 2 tỉ đồng vào tài khoản của nhóm lừa đảo.

Nhóm lừa đảo đánh vào lòng tham của nạn nhân, đã trúng thưởng tiền tỉ, phải nộp các khoản phí để nhận thưởng, thế là cứ nộp hết đợt này đến đợt khác. Đến khi “tỉnh ngộ” thì những kẻ lừa đảo “ngoài vùng phủ sóng”.

Cơ quan Công an đã nêu rất nhiều trường hợp bị lừa đảo thông qua qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Messenger, điện thoại, bằng các chiêu kết bạn, mời chào, quảng cáo, hướng dẫn nhận quà tặng, cho vay tiền…, hoặc giả công an, viện kiểm sát.

Nạn nhân bị mất tiền rất nhiều, báo chí đăng liên tục, nhưng vẫn có người bị dính lừa đảo, trong đó có người là giáo sư. Ví dụ GS.TS. Thái Hồng Quang – chuyên gia đầu ngành về Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), từng chia sẻ với các cơ quan báo chí về việc bị lừa một số tiền lớn.

Có một thực tế, đó là gần như tất cả các vụ lừa đảo đều không tìm ra thủ phạm để lấy lại tiền cho nạn nhân và trừng trị theo pháp luật. Bọn tội phạm dùng kỹ thuật xóa dấu vết, tìm ra chúng không đơn giản như truy bắt một tên trộm.

Cho nên, chỉ còn cách là tự bảo vệ mình trước khi chạy đến trình công an, cứu mình trước khi trời cứu.

Tác giả: Lê Thanh Phong

Nguồn: laodong.vn

lừa đảomạng xã hộiMỹ nhân love