Nhiều ý kiến trái chiều
Ngày 16/6/2022, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 quy định bắt buộc đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó có mô tô, xe máy. Luật này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023 (ngoại trừ một số điều khoản có hiệu lực thi hành từ 1/1/2028).
Dù vậy, thời gian qua cử tri một số địa phương như Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu… có ý kiến nên đưa xe máy ra khỏi diện bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Mới đây nhất, trả lời Công văn số 9095/BTC-QLBH ngày 12/9/2022 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và một số loại hình khác, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia đã cho rằng, bảo hiểm bắt buộc là sự can thiệp bằng quyền lực hành chính của Nhà nước vào quyền tự do thoả thuận của người dân và doanh nghiệp. Vì thế, cơ quan nhà nước phải chứng minh được rằng lợi ích công cộng thu được từ việc hạn chế quyền vượt xa chi phí phải bỏ ra.
Trong thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Theo báo cáo, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe ô tô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.
VCCI cũng thừa nhận, bảo hiểm có ưu điểm là chi trả nhanh hơn đối với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính đối với người phải bồi thường. Tuy nhiên, với số tiền chi trả ít ỏi 45 tỷ đồng thì rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy hiện nay không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Hiện tại, ở Nghệ An có khoảng 19 đơn vị, doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm. Với tổng số khoảng 2 triệu xe máy/toàn tỉnh hiện nay, số người tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đạt tỷ lệ rất thấp. Song song với đó, tỷ lệ chủ phương tiện được thanh toán, chi trả bảo hiểm sau khi tai nạn xảy ra cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đơn cử như tại Bảo Việt Nghệ An, năm 2021 có hơn 18.000 chủ xe máy tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc; trong 10 tháng đầu năm 2022 số lượng chủ phương tiện tham gia là 16.550 người. Tuy nhiên, cả trong năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022 chưa chi trả cho một trường hợp nào.
Trong góp ý của mình, VCCI cũng cho rằng tỷ lệ chi trả thấp của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy là do các quy định cụ thể và quá trình thực thi yếu kém, chứ không phải do loại bảo hiểm này không mang lại lợi ích xã hội. Tuy nhiên, chính sách này đã tồn tại được hơn 30 năm, từ năm 1988 và trải qua nhiều lần sửa đổi, nếu cho rằng các quy định chi tiết hay quá trình thực thi có vấn đề thì vì sao thực trạng này vẫn chưa được khắc phục?
Vì thế, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy mà dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên. Đồng thời, sửa đổi nhiều quy định để giúp tăng tỷ lệ chi trả đối với sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy, như giảm mức phí bảo hiểm; tăng mức bồi thường bảo hiểm; giảm bớt các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; đơn giản hoá hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Ngoài ra, cần công khai thông tin về bảo hiểm bắt buộc, như các số liệu về doanh thu bảo hiểm và số liệu về chất lượng giải quyết bồi thường, bao gồm số liệu tổng hợp và số loại đã phân theo loại phương tiện và theo doanh nghiệp. Nếu được công khai, các thông tin này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn, từ đó mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến thì cho rằng nên tiếp tục bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe mô tô, xe máy. Bởi khi ý thức trách nhiệm của người dân còn rất hạn chế thì việc trông chờ vào việc người dân tự nguyện mua bảo hiểm sẽ là không khả thi.
Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Trọng Hải – Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải và Cộng sự thì cho rằng, nên tiếp tục bắt buộc đối với loại hình bảo hiểm này, bởi nó nhằm bảo vệ quyền lợi về tài chính cho chủ xe gắn máy. Nguyên lý của hình thức bảo hiểm đó chính là “lấy số đông để bù đắp cho số ít kém may mắn”. Các quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn.
Việc chi trả bảo hiểm dù là bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện, dù là lĩnh vực nào thì cũng cần đảm bảo một thủ tục nhất định. Trong khi thủ tục là một thể lệ thống nhất, gồm một loạt nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau nên nhiều khi bất cập cho người giải quyết và người yêu cầu được giải quyết.
Hiểu đúng về bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy
Theo quy định, phí bảo hiểm đối với xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 50cc trở xuống và xe máy điện là 55.000 đồng, đối với xe mô tô trên 50cc mức phí bảo hiểm là 60.000 đồng; riêng các loại xe cơ giới tương tự thì mức phí bảo hiểm là 290.000 đồng, tất cả chưa bao gồm 10% thuế VAT. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Bên cạnh đó, quy định về chi trả bồi thường cũng đã được nêu rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp mà mình được hưởng sau khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.
Rất nhiều người dân trên địa bàn TP.Vinh khi được hỏi về việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy đều đã lắc đầu. Nhiều người lấy lý do chỉ đi loanh quanh trong thành phố nên không mua; một số người thì cho rằng có mua bảo hiểm nếu không may tai nạn xảy ra cũng không được hưởng quyền lợi gì nên thường “né” việc mua bảo hiểm.
Chị Nguyễn Thị Huyền, trú tại phường Hà Huy Tập (TP.Vinh) cho biết, cách đây hơn 1 tháng, khi lưu thông trên đường, chị có điều khiển xe máy va chạm với một học sinh đi xe đạp điện. Sau khi tai nạn, học sinh kia có bị xây xát chân tay và phải vào bệnh viện kiểm tra sức khoẻ. Để giải quyết nhanh chóng, chị Huyền đã chấp nhận thoả thuận bồi thường hơn 1 triệu đồng cho người đi xe đạp điện mà không biết rằng khi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, chị sẽ được phía công ty bảo hiểm thanh toán cho bên bị tai nạn.
Thực tế, qua thống kê, số vụ tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến xe máy thường chiếm tỷ lệ rất lớn, khoảng 70%. Tại Nghệ An, chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 74 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến mô tô, xe máy, làm chết 59 người, bị thương 60 người. Rõ ràng, một khi tai nạn giao thông xảy ra đã gây nên hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ đối những người liên quan.
Theo đại diện một Đội Cảnh sát giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A tại Nghệ An, qua tuần tra, kiểm soát, đa phần người dân không xuất trình được bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy, mà chỉ có bảo hiểm tự nguyện đối với người ngồi trên mô tô, xe máy. Nhiều người vẫn nhầm lẫn hai loại hình bảo hiểm này. Đối với loại bảo hiểm tai nạn người ngồi trên mô tô, xe máy chỉ có giá trị bồi thường cho những trường hợp ngồi trên mô tô, xe máy của chủ phương tiện bị tai nạn, chứ không có giá trị bồi thường đối với bên thứ 3.
Thậm chí một số trường hợp còn cho rằng sẽ mất thời gian để được bảo hiểm chi trả bồi thường, và phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp nên đã đứng ra tự thương lượng với bên bị tai nạn chứ không chờ bảo hiểm.
Ông Đường Minh Tú – Phó Giám đốc Bảo Việt Nghệ An cho biết: Nếu người dân tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, khi xảy ra tai nạn sẽ được cơ quan bảo hiểm bồi thường (trừ những trường hợp cố tình hoặc sử dụng rượu, bia gây tai nạn…), nếu không người dân sẽ phải thoả thuận với nhau về số tiền bồi thường. Nếu chủ phương tiện gây tai nạn không mua bảo hiểm và rơi vào trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thì khi đó trách nhiệm bồi thường sẽ đặt nặng lên vai gia đình, ngược lại sẽ được bảo hiểm đứng ra chi trả.
Nhiều ý kiến cho rằng, để người dân hiểu rõ hơn về loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy và quyền lợi bản thân được hưởng sau khi không may tai nạn xảy ra thì cần phải có sự tuyên truyền sâu rộng trong xã hội. Phải có cơ chế giám sát, xử lý khiếu nại một cách nhanh chóng nếu như người dân chậm được cơ quan bảo hiểm chi trả chi phí bồi thường.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế quản lý quỹ bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy. Nếu hàng năm, số tiền chi trả thấp hơn nhiều số tiền thu được từ loại hình này thì sẽ được chuyển vào quỹ để quản lý sử dụng. Hoặc nên chăng có cơ chế giảm dần mức phí đối với những người tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe mô tô, xe máy đủ 5 năm liên tục trở lên…
Trong một lần trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc còn cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng triển khai loại hình bảo hiểm này với hình thức bắt buộc. Và đây chính là một giải pháp bảo đảm tài chính hỗ trợ nạn nhân kịp thời khắc phục thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản khi không may xảy ra tai nạn giao thông./.
Theo Tiến Đông
Link gốc: https://baonghean.vn/bao-hiem-bat-buoc-doi-voi-mo-to-xe-may-bo-hay-tiep-tuc-post261545.html